Ngôi sao S5-HVS1 trong chòm Thiên Hạc, cách Trái Đất khoảng 29.000 năm ánh sáng, đang bị đẩy ra khỏi trung tâm của dải Ngân Hà bởi hố đen siêu lớn Sagittarius A* có kích thước lớn gấp 4 triệu lần Mặt Trời, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Trung tâm Vũ trụ McWilliams của Đại học Carnegie Mellon cho biết.
"Ngôi sao di chuyển với tốc độ nhanh chưa từng thấy, đến mức nó chắc chắn sẽ rời khỏi thiên hà của chúng ta và không bao giờ quay trở lại", Douglas Boubert từ Đại học Oxford, đồng tác giả nghiên cứu nhấn mạnh.
S5-HVS1 được phát hiện bởi Kính viễn vọng Anglo-Australia (AAT) đặt tại Đài thiên văn Siding Spring ở độ cao hơn 1.100 m so với mực nước biển. Đây là một ngôi sao trẻ lớp A, khoảng vài trăm triệu năm tuổi, có nhiệt độ bề mặt dao động từ 7.200 đến 10.000 độ C. Nó được cho là bị đẩy ra khỏi dải Ngân Hà từ 5 triệu năm trước, khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu học cách đứng bằng hai chân.
S5-HVS1 từng là một phần trong hệ sao nhị phân, nhưng chúng đã bị tách ra khi đến quá gần hố đen Sagittarius A*. Đây là ví dụ hoàn hảo cho cơ chế Hills được đề xuất bởi nhà thiên văn học Jack Hills từ 30 năm trước, chỉ ra rằng khi một hệ sao nhị phân đến quá gần hố đen ở trung tâm của thiên hà, một ngôi sao có thể bị hất văng ra xa với tốc độ cực cao trong khi ngôi sao còn lại bị giữ ở khu vực trung tâm trên quỹ đạo rất lệch tâm.
Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society hôm 4/11.
Đoàn Dương (Theo Space)