Trần Hoàng Nhân -
Trên thế giới mỗi năm có rất nhiều cuộc bán đấu giá mỹ thuật, trong đó tranh và tượng điêu khắc chiếm số lượng lớn. Vì vậy, nhà văn Trần Tử Văn và nhà báo Vương Quang Vĩnh chỉ chọn những tác phẩm thuộc loại đắt giá, từ hàng chục triệu USD trở lên để giới thiệu. Để bạn đọc dễ hệ thống, Ngàn năm để lại chọn giới thiệu những tác phẩm đắt giá nhất từng được bán tại hai nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s và Christie’s.
Bìa cuốn sách "Ngàn năm để lại". |
Nhà giàu chơi tranh
Cuốn sách được chia thành hai phần chính: giới thiệu những bức tranh từng được bán đấu giá hàng chục triệu đôla và chân dung những nhà sưu tập hàng đầu trên thế giới.
"Ngàn năm để lại" giới thiệu nhiều tác phẩm “chục triệu đô” của các danh họa như Piccaso, Van Gogh, Monet, Renoir, Andy Warhol, Jackson Pollock, Willem De Kooning, Gustav Klimt, Paul Rubens, Bacon, Paul Cezane, Mark Rothko… cùng các nhà điêu khắc: Constantin Brancuci, Alberto Giacometti, Jeff Koons, Henri Matisse, Edgar Degas, Damien Hirst, David Smith, Auguste Rodin… Có tác phẩm lên đến 140 triệu USD như bức tranh N5 của Jackson Pollock, bán đấu giá tháng 10/2010 do tỷ phú David Geffen mua.
Ngoài những tác phẩm được bán công khai, sách còn giới thiệu những tác phẩm vô giá vì nó không đem ra đấu giá nhưng… rất đắt. Như bức Nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci hiện được treo tại bảo tàng Lourve ở Paris. Đây cũng là tác phẩm có phí bảo hiểm kỷ lục thế giới: năm 1962 - 1963 mức bảo hiểm không bán là 100 triệu USD, nếu tính đến năm 2010 trị giá 720 triệu USD. Sách còn giới thiệu những cổ vật cũng được bán đấu giá rất cao.
Ấn phẩm này còn cung cấp thêm chân dung những tỷ phú giàu có của thế giới không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí đến cả tỷ đôla để sưu tập nghệ thuật. Chẳng hạn như người giàu nhất thế giới năm 2011 Carlos Slim của Mexico đã xây dựng một bảo tàng tư nhân trị giá 800 triệu USD. Bảo tàng Soumaya - đặt theo tên người vợ quá cố của ông - có hàng trăm nghìn tác phẩm giá trị. Tỷ phú người Nga Roman Abramovich, chủ đội bóng Chelsea, cũng là tay sưu tập khét tiếng. Ông bỏ ra vài trăm triệu USD để sưu tập những tác phẩm giá trị của các danh họa. Thậm chí ông đã mua một lâu đài cổ ở St Peterburg để xây dựng một bảo tàng nghệ thuật trị giá 400 triệu USD. Tỷ phú Francois Pinault, doanh nhân người Pháp, người điều hành công ty bán lẻ PPR có đến hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật trị giá 1,4 tỷ USD…
Nhà văn Trần Tử Văn hiện làm Phó Tổng biên tập báo Công an TP HCM, ông còn là một nhà sưu tập mỹ thuật uy tín. |
Họ không khoe của
Nhà báo Vương Quang Vĩnh cho biết: “Có thể đối với những quốc gia nghèo, giá một bức tranh hay một cổ vật lên đến vài chục thậm chí hơn cả trăm triệu USD không phải là “giá trên trời” mà là… “giá không tưởng”. Nhưng đối với những nước giàu có như châu Âu, Mỹ… với trình độ hiểu biết và thưởng thức mỹ thuật ở mức cao của người dân thì đó là chuyện bình thường". Hơn nữa, những người mua tranh chắc chắn không “ném tiền qua cửa sổ” mà hơn ai hết họ hiểu được giá trị thực của các tác phẩm nên mới dám bỏ ra một khoản tiền lớn để được sở hữu chúng. Theo nhà báo Quang Vĩnh, giới này cũng không phải vì muốn khoe khoang hay chơi nổi mà chơi tranh, bởi vì có rất nhiều người mua tranh muốn giấu tên tuổi, chỉ sau khi giới truyền thông lùng sục mới biết được họ là ai.
“Ở Việt Nam chúng ta từng nghe nhiều người giàu có mua ôtô, xây biệt thự, sắm máy bay… lên đến cả triệu USD. Nhưng dường như hiếm có ai dám bỏ khoản tiền lớn như thế để tậu các tác phẩm mỹ thuật. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi nước ta còn nằm ở nhóm thu nhập thấp và sự hiểu biết về mỹ thuật cũng còn giới hạn”, nhà báo Quang Vĩnh nói.
Những tỷ phú sưu tập mỹ thuật không nhằm biến tranh, tượng thành những tài sản của riêng mình. Ngược lại, họ sưu tầm để bảo vệ nhằm không bị hư hỏng hoặc bị đánh cắp để giới thiệu đến đông đảo người thưởng ngoạn. Những nhà sưu tập tầm cỡ này đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ những tuyệt tác của nhân loại. Nhờ họ mà thị trường mỹ thuật sôi động hơn, đắt giá hơn nhưng cũng thú vị hơn nhiều. “Ước gì ở ta cũng có những nhà sưu tập “chịu chơi và chịu chi” như thế thì mỹ thuật Việt sẽ phát triển rất nhiều” - Vương Quang Vĩnh bộc bạch.
Nhà báo Vương Quang Vĩnh hiện công tác cùng báo với Trần Tử Văn. Ông từng học tập tại Nga nên có cơ hội được đến các bảo tàng mỹ thuật ở Matxcơva, St. Peterburg và nhiều bảo tàng lừng danh khác của châu Âu, Mỹ. Trong ảnh, nhà báo Vương Quang Vĩnh chụp trước bảo tàng Lourve, Paris, tháng 5/2010. |
Câu chuyện bảo tàng
Cuốn sách Ngàn năm để lại tuy không trực diện đề cập nhưng đã khơi gợi ra câu chuyện về bảo tàng - nơi lưu giữ muôn đời các giá trị mỹ thuật. Bằng trải nghiệm của mình, nhà báo Vương Quang Vĩnh chia sẻ: “Nếu đem bảo tàng ở các quốc gia châu Âu mà so sánh với Việt Nam thì thật là khập khiễng hay nói cách khác “một trời, một vực” ".
Thứ nhất, số lượng bảo tàng ở nước ta so với các quốc gia châu Âu hay Mỹ là quá ít. Thật không ngoa khi nói rằng, tại châu Âu bước chân ra ngõ là gặp ngay bảo tàng, giống như ở nước ta ra ngõ gặp quán cà phê vậy.
Thứ hai, bảo tàng ở ta nghèo nàn về cơ sở vật chất, tác phẩm nghệ thuật quá ít, trong khi bảo tàng ở châu Âu được xây dựng quy mô, nhiều tác phẩm nghệ thuật để dân chúng thưởng ngoạn. Thứ ba, trình độ hiểu biết về mỹ thuật của chúng ta quá thấp so với các nước văn minh trên thế giới. Phần lớn người Việt Nam “mù” về mỹ thuật, trong khi đó tại châu Âu trình độ về mỹ thuật hay nhạc giao hưởng được phổ cập ngay từ những năm học đầu tiên nên người dân rất hiểu biết về những lĩnh vực này. Tại Việt Nam số người đến tham quan các bảo tàng rất ít trong khi tại châu Âu các bảo tàng luôn đông người mỗi ngày. Tại bảo tàng Lourve (Paris), Hermitage (St. Peterburg) lúc nào cũng đông người, thậm chí những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ phải đặt vé trước cả tuần mới có.
Chính vì thế, qua cuốn sách Ngàn năm để lại, hai tác giả muốn chia sẻ một góc nhìn, cảm nhận cũng như vốn kiến thức họ biên soạn, sưu tầm được với độc giả trong nước. Từ đó, hy vọng ngày càng có nhiều nhà sưu tập, khán giả trong nước quan tâm đến lĩnh vực mỹ thuật, bảo tàng, nâng cao đời sống thưởng thức văn hóa.