Thứ hai, 7/10/2024
Thứ ba, 17/1/2023, 06:00 (GMT+7)

Ngôi nhà lấy gạch bông gió làm rèm

TP HCMMặt tiền sử dụng hoàn toàn gạch bông gió giúp căn nhà như được phủ bởi một hệ thống rèm ngăn cản nắng nóng hướng Tây.

Ngôi nhà có diện tích 100 m2 (4x25m) nằm trên một con phố đông đúc tại quận Tân Bình được cải tạo lại từ ngôi nhà hơn 20 năm tuổi. Trước đây không gian cũ xuống cấp, công năng bất hợp lý, không phù hợp với cuộc sống của một cặp vợ chồng trẻ tuổi.

Mong muốn của gia chủ là có một không gian sống mang đậm tinh thần sống hiện đại đơn giản của người trẻ nhưng vẫn không thiếu những nét chấm phá đan xen nhiều kỉ niệm quá khứ.

Căn nhà hướng chính Tây. Để hạn chế nắng nóng chiếu trực tiếp, toàn bộ mặt tiền sử dụng gạch bông gió, giúp ngôi nhà một trệt ba lầu như được phủ bởi một hệ thống rèm ngăn cản ánh nắng nhưng vẫn có thể lấy được gió và ánh sáng tự nhiên.

Theo kiến trúc sư, với thiết kế này rất khó để người khác hiểu hết nét độc đáo của ngôi nhà nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Đây cũng là điểm hấp dẫn riêng biệt của công trình.

Nhóm thiết kế đã chọn phong cách chuyển tiếp (transitional style) kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tạo sự cân bằng giữa cái cũ và cái mới làm phong cách chủ đạo.

Phong cách này cho phép gia chủ kết hợp nhiều yếu tố nội thất, trang trí các phong cách khác nhau nhằm mang lại sự thống nhất trong tổng thể không gian. Từ đó tạo nên một chốn đi về ấm áp, nơi các thành viên trong gia đình có thể quây quần, tách biệt với những xô bồ bên ngoài.

Đứng ở vị trí nào trong nhà, gia chủ cũng cảm nhận được sự pha trộn hài hoà giữa hiện đại và truyền thống. Tại phòng khách, hệ trang trí dựa trên ngôn ngữ cổ điển châu Âu như hệ cửa vòm, đèn chùm... kết hợp với những đường nét đơn giản, mảnh của phong cách hiện đại đã tạo nên sự thống nhất, hòa hợp trong tổng thể không gian.

Dải màu trung tính là chi tiết điển hình mà phong cách chuyển tiếp thường sử dụng. Để vận dụng màu sắc trong thiết kế nội thất chuyển tiếp, kiến trúc sư đã sử dụng tông trắng ngà, xám, be... như một sự chuyển mình để nối tiếp những yếu tố tiếp theo.

Không quá cầu kỳ và chạm khắc tinh vi như phong cách cổ điển, nội thất trong phong cách chuyển tiếp thường mang những đường nét nhẹ nhàng, phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Phong cách này cũng không chọn những họa tiết dư thừa bởi sẽ khiến không gian mất cân đối, giảm đi sự hài hòa vốn có.

Khu vực bếp nằm ở phía sau nhà được chọn màu xanh - trắng trung tính làm dịu mát không gian.

Căn bếp được kết nối với không gian cầu thang bên ngoài qua những ô cửa tròn vừa tạo nét mềm mại, vừa độc đáo.

Bếp nằm ở cuối nhà, tầng hai. Bởi vậy, để lấy sáng và gió tự nhiên, một giếng trời rộng 1,5x2m được bố trí ngay trên khu bếp.

Giếng trời được đặt trên khu vực bếp có chức năng tạo đường thoát ngắn nhất và trực tiếp nhất để bếp thoát khí và không đọng lại mùi nấu nướng trong nhà. Không chỉ thế, giếng trời kết hợp với gạch bông gió mặt tiền tạo ra một hệ thông gió tự nhiên. Không khí vào từ phía trước nhà, khí nóng sẽ thoát ra ở giếng trời.

Với không khí thường xuyên được đối lưu, dù gia chủ đi vắng dài ngày, trong nhà vẫn luôn thoáng mát và không có mùi ẩm mốc như những ngôi nhà bình thường khác.

Thay vì những chiếc ghế rời, khu vực bàn ăn được thiết kế hệ ghế băng dài sát tường, vừa tiết kiệm diện tích, vừa tăng số người sử dụng khi cần thiết.

Gỗ sử dụng là gỗ công nghiệp, có ưu điểm là bảo vệ môi trường, giá rẻ và không bị co ngót do thời tiết.

Thay vì bức tường đặc ngăn cách khu vực bàn ăn với không gian cầu thang, hệ gạch kính được sử dụng để vừa lấy sáng, vừa tạo thẩm mỹ.

Phòng ăn với tông màu nâu, kem, trắng hòa quyện vào nhau, làm không gian trở nên sáng sủa. Bộ bàn ghế tông màu nâu vừa tạo nền cho toàn bộ không gian vừa chuyển tiếp giữa các màu sắc khác như trắng- kem-nâu đậm của gỗ, khiến kiến trúc phòng trở nên mạch lạc và đồng nhất hơn.

Vì gia chủ muốn có không gian gần gũi, ấm cúng nên màu gỗ chiếm 30% màu sắc của ngôi nhà, còn lại là những màu tạo điểm nhấn.

Ở phòng ngủ master, màu đỏ đất của tường và màu xanh của ga đệm khiến không gian bừng sức sống. Chi tiết mái vòm xuất hiện ở vị trí cửa sổ khiến không gian trở nên mềm mại hơn.

Khu vực baywindow (khoảng không gian cửa sổ nhô ra khỏi bức tường chính của căn hộ) được phân định bằng mái vòm là nơi thư giãn, đọc sách của chủ nhà.

Giữa tường gạch bông gió ở mặt đứng công trình và cửa sổ có khoảng không đệm rộng 1m2, giúp nắng giảm bức xạ nhiệt trước khi đi vào không gian sinh hoạt chính. Sâu bên trong là lớp kính nên căn nhà được cách nhiệt rất tốt. Không khí khi chiếu qua gạch bông gió sẽ không bị đốt nóng mà thoát lên cao nhờ khoảng đệm. Đây là giải pháp mà giới chuyên môn gọi là double skin (thuật ngữ về hai lớp da).

Bản vẽ công trình.

Công trình hoàn thành sau 4 tháng, chi phí không được tiết lộ.

Trang Vy
Thiết kế và thi công:TD architects
Ảnh: Phú Đào