"Cho tôi xuống ngôi nhà phong thuỷ", "Em gửi đồ về số nhà..., An Lão, gần ngôi nhà phong thuỷ cho chị"... Ngôi nhà đặc biệt của anh Trần Văn Tưởng, 33 tuổi, ở mặt đường 39A, qua địa phận An Lão (Kim Động, Hưng Yên) trở thành một địa điểm dễ nhận dạng như thế với người dân nơi đây vài năm nay.
"Đâu chỉ cánh lái xe đón khách, trả khách, gửi đồ, mà nam nữ yêu đương cũng hẹn nhau ở đây. Các cụ trong làng giờ thường hay qua nhà tôi chè nước, tán chuyện", anh Tưởng, dáng người hơi đậm, chia sẻ.
Ngôi nhà xây theo lối nhà ống quen thuộc, nhưng cánh cổng và cách trang trí khác biệt với xung quanh. Dễ nhận thấy là chiếc cổng như "Ngưu Ma Vương" với rất nhiều tượng. Bên dưới đặt tượng hổ, dần lên là sư tử, trâu, tượng Phật Quan âm, cao nhất là vua Hùng cách mặt đất hơn chục mét. Ngay cổng, chủ nhân còn tạc một bức chân dung khuôn mặt mình.
Ngôi nhà được xây 4,5 tầng, mặt chính diện sơn son, thếp vàng, ban công có mái cong vút như chùa. Hai mặt bên nổi bật với màu sơn vẽ những đám mây và đàn ngựa chạy. Ở sân nhà có một hồ nước róc rách, đàn cá chép đang bơi, trên mặt dựng ba khối đá cao chót vót. Bên trong nhà, đồ phong thuỷ đủ các chất liệu... bày la liệt dưới nền phòng khách.
Ảnh hưởng từ cha - một thợ điêu khắc - từ nhỏ anh Tưởng đã đam mê nặn, vẽ. Tới những năm trung học cơ sở, anh thường mang giá vẽ đến các đền, chùa, rồi bị cuốn vào lối kiến trúc, tượng, vật linh... lúc nào không hay. Năm 2004, anh Tưởng vừa học, vừa làm điêu khắc tại làng gốm Bát Tràng, sau đó làm cho một xưởng gốm Giang Tây (Trung Quốc). Từ đây, anh đi qua nhiều nước Đông Nam Á vừa học, vừa làm trong lĩnh vực hội hoạ, điêu khắc, phong thuỷ.
Ngôi nhà được anh Tưởng lên ý tưởng xây năm 2011, với sự trợ giúp đắc lực của bố. "Kỳ công nhất ngày ấy là quá trình vẽ, đắp đàn ngựa chạy trên nóc nhà. Tôi dựng giàn giáo, nhiều hôm mắc đèn làm nửa đêm. Mất 3 tháng mới vẽ xong được đàn ngựa, tổng 16 con ở hai bên. Giờ nghĩ lại không hiểu có động lực nào để mình có thể kiên trì làm được vậy", anh kể.
Qua mỗi năm, anh lại thêm thắt, thay đổi ngôi nhà, cả trong lẫn ngoài. Chẳng hạn năm 2013, chiếc cổng vốn là một cái "động" bị phá để xây thành cổng với một khối đá, rồi "đẽo gọt" đặt tượng đại bàng trên, nai lộc phía dưới. Năm 2015 thay nai lộc bằng cá chép. Đến 2017, anh lại bỏ cá chép, thay vào ngũ hổ.
"Tôi tuổi trâu nên đã đặt tượng trâu trước cửa nhà từ năm 2013. Sau này tôi nâng trâu lên cao, cưỡi lên cánh chim ưng. Hiện tại, tượng trâu đang cưỡi lên đầu sư tử", anh cho hay.
Anh Tưởng cho biết, "sự thay đổi này là có ý đồ riêng, với mục đích tốt cho sự nghiệp của tôi, những người sống trong nhà và bảo vệ người qua đường, vì đoạn đường này từng xảy ra nhiều tai nạn". Trong năm 2018, anh vừa thêm bộ 12 thần thú ngoài cổng.
Vẻ ngoài khác lạ của ngôi nhà cũng không ít lần gây ra những tình huống buồn cười. "Sáng mùng một Tết năm 2014, có hai cô gái phóng xe vào nhà xin được xem bói, vì tưởng tôi là một thầy bói", anh Tưởng cười kể.
Nhiều người cũng nhầm nhà anh là đền, chùa. Vào các ngày rằm, lễ, Tết thường có người nhét tiền lẻ vào miệng trâu, miệng sư tử hoặc hoá vàng hương. "Đó là một trong các lý do tôi chuyển con trâu lên cao", anh Tưởng nói thêm.
Sống trong nhà, bà Ngọc, mẹ anh Tưởng cho biết: "Tôi không hiểu gì phong thuỷ. Nghe con bảo đây là nhà phong thuỷ, đồ phong thuỷ thì tôi biết vậy. Ngày ngày lau dọn các món đồ của con và tiếp khách đến thăm nhà cũng vui".
Một số người dân xung quanh cảm thấy bình thường với ngôi nhà này, do mỗi năm chủ nhân thêm bớt một chút, chứ không làm ngay lập tức.
"Có thể nay bạn đến chúng ta đang ngồi phòng khách này, nhưng sắp tới tôi sẽ đào thụt xuống, làm không gian 3D bằng kính, hoặc trần phòng khách sẽ thiết kế 100 đầu rồng", anh Tưởng bật mí.
Kiến trúc sư Đức Anh (Hà Nội) chia sẻ, những yếu tố quan trọng của phong thuỷ là địa hình, thế đất, hình đất, hướng công trình, quan hệ công trình với cảnh quan xung quanh, cấu trúc nội tại... Còn đồ trang trí là thứ yếu. Những yếu tố cơ bản của phong thuỷ ít thay đổi theo thời gian, còn những thứ thêm thắt có thể thay đổi nếu gia chủ thích.
"Việc xây nhà phải tuân thủ các quy định về xây dựng như chỉ giới, mật độ, số tầng, tổng chiều cao... Nếu không vi phạm thì chủ nhà có thể xây kiểu dáng theo ý muốn, riêng Hà Nội, TPHCM thì công trình phải thông qua thoả thuận quy hoạch - kiến trúc với cơ quan có thẩm quyền, không phải muốn xây kiểu nào cũng được. Đặt các đồ phong thủy ngoài cổng, lên vỉa hè là không được phép", kiến trúc sư Đức Anh cho biết.
Cũng theo ông, nếu sắp đặt các tượng lớn, nặng để trang trí thì cần cân nhắc sức tải. Nếu liên kết không vững chắc có thể đổ, rơi gây nguy hiểm.
Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (TP HCM) cho biết thêm, ông từng làm nhiều nhà theo phong thuỷ, một số gia đình cũng thay đổi từng năm, nhưng không "quái" giống nhà này. "Quan điểm của tôi là nhà ở không nên quá rườm rà, màu sắc tươi sáng và tách biệt yếu tố tâm linh, thờ tự khỏi không gian sống. Phong thủy hiện đại cũng hướng con người gần gũi với thiên nhiên. Việc ngôi nhà có kiến trúc quái dị, ở một góc độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến cảm quan chung của khu dân cư".
"Trước đây ở Bình Dương có một ngôi nhà mỗi năm trang trí Halloween một khác, khiến người dân sợ không dám đi qua. Chính quyền đã yêu cầu chủ nhà này tiết chế. Tuy nhiên, mức độ nhà nhân vật ở Hưng Yên thì chỉ kỳ quái chứ không đáng sợ như nhà Bình Dương", ông chia sẻ.
Phan Dương