Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè là vợ chồng ông Lê Văn Ký và bà Phạm Thị Lầu rước thợ từ Huế vào xây năm 1818, hoàn thành năm 1821. Đến nay, ngôi nhà vẫn giữ kiến trúc nguyên bản và được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2014.
Ông Lê Quang Xoát, 69 tuổi (chồng bà Trí) là hậu duệ đời thứ 5 của ngôi nhà cổ nhưng 40 năm qua, bà Trí là người thay chồng trực tiếp trông nom và gìn giữ ngôi nhà.
Bà Trí kể, khi về làm dâu, bà được ba má chồng giao quyền trông coi ngôi nhà. Ban đầu bà thấy áp lực vì trách nhiệm nặng nề nhưng càng gắn bó càng thấy yêu quý nó.
Ngôi nhà rộng 750 m2 được xây dựng theo kiến trúc kiểu nhà rường của Huế. Nhà có ba gian, hai chái, hình chữ Đinh cùng các hoa văn chạm khắc, trang trí công phu. Ở giữa phòng khách là bàn thờ gia tiên. Nền nhà được lát bằng gạch tàu hình lục giác. Mái được lợp theo lối âm dương điển hình của kiến trúc cổ. Trước sân lát gạch tàu, trang trí chậu kiểng, cổng tam quan. Đặc biệt, từ cột, kèo, vách, sàn cho đến bàn thờ đều được làm bằng các loại gỗ quý như lim, căm xe. Các hoa văn chim chóc, rồng phượng, lá cành trên cánh cửa, cột nhà, lan can... được chạm trổ công phu và còn nguyên bản.
Tại gian ngoài của ngôi nhà còn đặt một bộ ván ngựa đôi bằng đá cẩm thạch. Theo bà Trí, bộ ván cẩm thạch này được các thành viên trong gia đình yêu thích bởi nằm mát trong mùa hè nhưng lại ấm trong mùa đông. Nhiều người chơi đồ cổ đã tìm đến mua với giá rất cao nhưng gia đình không bán.
Năm 1920, ngôi nhà được xây dựng thêm mặt trước theo kiểu kiến trúc Pháp với điểm nhấn bên ngoài là hàng cột xi măng tròn, thẳng, sơn màu trắng với nhiều hoa văn theo lối phương Tây.
Anh Trần Dự, 35 tuổi, trưởng ấp An Thạnh cũng là hàng xóm thân thiết với gia đình bà Trí cho biết, ngay từ nhỏ hay sang chơi, anh đã rất ấn tượng với kiến trúc cổ xưa của ngôi nhà.
Anh kể, năm nào vợ chồng gia chủ cũng phun thuốc diệt mối, mọt để bảo vệ bộ khung gỗ của ngôi nhà. "Nhà cổ này không chỉ là tài sản riêng của gia đình ông Xoát mà còn là di sản văn hóa của cả làng Đông Hòa Hiệp này", anh nói.
Ông Dương Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp cho hay, làng có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây từ 180 năm đến hơn 200 năm và 29 ngôi nhà có tuổi đời khoảng 80-100 năm. Trong các ngôi nhà này vẫn còn giữ được nhiều vật dụng cổ như bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm.
Theo ông Phương, ngôi nhà của vợ chồng ông Xoát được coi là lâu đời nhất và đi đầu trong kiến trúc Nam Bộ xưa tại làng cổ Đông Hòa Hiệp. Trước đây còn có nhà bếp và nhà kho nhưng đã xuống cấp và bị dỡ bỏ. Xã đã có đề xuất trùng tu nhà ông Xoát, nhưng chưa có kinh phí để thực hiện.
"Đây là ngôi nhà mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc. Tui rất tự hào khi thấy trên quê hương mình vẫn còn lưu giữ những di sản xưa của ông bà để lại", ông nói.
Từ ngày tiếp quản ngôi nhà, bà Trí, ông Xoát trồng thêm nhiều loại cây ăn trái xung quanh khuôn viên rộng hơn 9.000 m2, giúp gia đình bà có thêm nguồn thu nhập. "Nhà đẹp, vườn rộng nên dịp giỗ ông bà, ngày lễ, Tết con cháu tụ về đông vui lắm", bà Trí nói.
Khoảng 10 năm trước, một số cột gỗ phía trước nhà bị mối đục, sợ nhà sập, vợ chồng bà cho tu sửa lại bằng lớp xi măng và thay máng hứng nước mưa. Bà cho hay, chi phí tu sửa lần đó mất khoảng gần một trăm triệu. "Mới tháng rồi đám cưới con tui, hai vợ chồng cùng nhau quét sơn trắng lại phần mái hiên nhà trước", bà kể.
Theo lời bà Trí, giữ trách nhiệm gìn giữ tài sản của tổ tiên cũng cực nhưng sau mỗi lần dọn xong, mình thấy cái nhà đẹp tự nhiên quên hết.
Hiện, chỉ có ông bà cùng vợ chồng cậu con trai cả sống trong ngôi nhà này. Mỗi dịp cúng giỗ hay lễ, Tết, con cháu sum họp, nhà ông Xoát lại rộn ràng nhất xóm. "Tụi nhỏ rất thích ngôi nhà vì nét đẹp cổ xưa và hay đòi kể chuyện về lịch sử của nó", bà Trí nói.