Thứ hai, 27/1/2025
Chủ nhật, 6/10/2019, 15:03 (GMT+7)

Ngôi nhà hơn 120 năm tuổi cho khách ở lại qua đêm

Đồng ThápDu khách phải trả 550.000 đồng một phòng để ở lại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, trải nghiệm cảm giác sống trong căn nhà của quý tộc xưa.

Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa giàu có xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ náo nhiệt ven sông Sa Đéc.

Căn nhà có diện tích 258 m2, được xây lối kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa. Về sau, người con trai út của ông là Huỳnh Thủy Lê nhận quyền thừa kế ngôi nhà.

Ngoài giá trị kiến trúc, ngôi nhà nổi tiếng khi gắn liền với câu chuyện tình của ông Huỳnh Thủy Lê.

Dịp tình cờ, ông Lê gặp bà Marguerite Duras (nhà văn) trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929 và nảy sinh tinh cảm, nhưng không được ông Thuận đồng ý. Sau đó nhà văn quay về Pháp, ông Lê cưới vợ người Việt. Về sau, bà Marguerite Duras viết lại tự truyện đời mình thành cuốn tiểu thuyết "Người tình".

Tác phẩm được giải Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp) và dịch ra 43 thứ tiếng, chuyển thể thành phim cùng tên với diễn xuất của tài tử Hong Kong, Lương Gia Huy.

Vẻ đẹp cổ kính cùng câu chuyện tình lãng mạn khiến căn nhà thu hút nhiều du khách khi đến Sa Đéc. Gần 10 năm nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đều cho du khách ở lại qua đêm với giá từ 550.000 đồng một phòng.

Trong căn nhà có hai phòng, khách muốn ở lại phải đăng ký trước, được phục vụ bữa sáng và trưa. Trong phòng đầy đủ vật dụng, tivi cài sẵn phim "Người tình", cho du khách được trải nghiệm cảm giác sống trong ngôi nhà quý tộc thời xưa.

Nếu khách chỉ đến tham quan phải mua vé vào cổng là 20.000 đồng một người.

Mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước, những phù điêu đắp nổi được chạm trổ tinh xảo.

Vòm cửa thiết kế cong theo kiểu La Mã, chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muông của thế kỷ 17.

Hành lang căn nhà với cách xây dựng, lối kiến trúc đặc trưng như một biệt thự kiểu Pháp. Phần sàn được làm trũng về phía trung tâm theo phong thủy của người Hoa, với ý nghĩa “nước chảy về chỗ trũng”, tiền bạc sẽ đổ về nhà.

Căn nhà có ba gian mang nét đặc trưng kiến trúc miền Nam, với cánh cửa, cột nhà, bàn thờ... sơn son thếp vàng, chạm trổ loan phượng. Chính giữa căn nhà là tượng thờ Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc.

Những chạm trổ rồng phượng, chim công, mai, lan, cúc, trúc... tinh xảo theo văn hóa phương Đông nổi bật ở phòng khách. Màu vàng thể hiện cho sự quyền quý của chủ nhân căn nhà.

Trên tường treo nhiều hình ảnh gia đình, nổi bật là ảnh chân dung ông Huỳnh Thủy Lê và người vợ Việt Nam.

Những đồ dùng trong nhà như bàn ghế, đồ thờ, đồng hồ, gương... vẫn nguyên vẹn. Trên trần phòng khách là chiếc đèn chùm kiểu Pháp.

Những bộ ấm trà, bát đĩa, ly tách... có tuổi đời cả trăm năm vẫn nằm nguyên vẹn trong tủ kính của ngôi nhà cổ.

Phía sau phòng thờ tự có hai phòng ngủ hai bên tạo thành một hành lang rộng dẫn xuống nhà dưới. Chính giữa hành lang là chiếc sập gỗ được khảm trai đã nhuốm màu thời gian.

Sau khi ông Lê mất, các con của ông đều định cư ở nước ngoài. Ngôi nhà cổ được trưng dụng làm trụ sở cảnh sát, đến năm 2007 thì mở cửa khai thác ngôi nhà cổ, phục vụ cho khách tham quan.

Hàng năm nhà Huỳnh Thủy Lê đón hàng chục nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan, đặc biệt cộng đồng Pháp ngữ chiếm số lượng đông. Nhà được chứng nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008, di tích cấp quốc gia năm 2009.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net