Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt xây dựng trên diện tích 3.300 m2 với mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng, nằm tại số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Trung tâm được xây dựng nhằm vinh danh tinh hoa nghề gốm của cha ông, kết nối các đơn vị, nghệ nhân làm thủ công mỹ nghệ truyền thống và trưng bày các sản phẩm gốm đặc sắc cho du khách thưởng thức. Công trình bên ngoài có 7 khối vòng xoay tượng trưng cho 7 bàn xoay vuốt gốm - một công cụ không thể thiếu của các thợ làm gốm truyền thống. Cách sử dụng những vòng xoáy ốc khổng lồ này tạo nên những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại gây ấn tượng với người xem ngay từ những bước chân đầu tiên. Ở một góc nhìn khác, những khối nhà này giống như hình ảnh lò bầu nung gốm cổ của người Bát Tràng xưa. Công trình tận dụng tối đa những nguyên liệu cổ của làng như gạch gốm cổ truyền, gạch men mosaic và ngói nung... để tạo nên màu sắc chân thực nhất. Từ đầu tháng 1 năm nay, trung tâm mở cửa để du khách vào tham quan các không gian bên trong cũng như mua sắm đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ. Mỗi tầng ở Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt có một công năng khác nhau. Tầng 1 là không gian check-in, các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm, các đơn vị, nghệ nhân làm gốm tiêu biểu của Bát Tràng. Đây là khu vực thu hút du khách, đặc biệt là những bạn trẻ ở Hà Nội và các vùng lân cận đến chụp ảnh từ đầu năm 2021 khi công trình vẫn còn hoàn thiện nội thất và chưa mở cửa chính thức. Không chỉ mua sắm, tham quan, du khách có thể giao lưu, quan sát các nghệ nhân làm gốm. Tầng 2 là khu vực giới thiệu các nhóm sản phẩm gốm sứ, thủ công mỹ nghệ tới du khách trong và ngoài nước, kết hợp khối văn phòng quản lý của trung tâm. Tầng 3 là khu nghỉ, homestay với 9 phòng, trong đó 2 phòng legacy đều có không gian khách với bàn uống trà và không gian ngủ, 7 phòng story chỉ có không gian ngủ, vệ sinh khép kín. Tầng 3 cũng có khu trưng bày hiện vật, sản phẩm tiêu biểu thể hiện lịch sử làng nghề Bát Tràng xưa và nay. Tầng 4 là không gian cà phê, điểm check-in ngoài trời, trong khi tầng 5 là nơi tổ chức sự kiện, hoạt động nghệ thuật dân gian và ẩm thực phục vụ khách tham quan và khách lưu trú. Hiện tại, do mới mở cửa, quán cà phê chỉ phục vụ đồ uống cơ bản như cà phê, trà, đồ ăn vặt với giá từ 35.000 đến 50.000 đồng/món. Phần lớn đồ uống đựng trong cốc giấy, cốc nhựa dù khách ngồi uống tại chỗ hay mang đi. Một góc không gian cây xanh ở tầng 4 và 5 của công trình. Hiện tại du khách có thể tham quan tự do, không mất phí vào cửa từ 8h đến 17h hàng ngày, tuy nhiên phải thực hiện quy định 5K nghiêm túc và quét mã QR để khai báo y tế trước khi vào. Du khách gửi xe máy, ôtô ngay tại bãi đỗ phía trước Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. Khánh Trần Hội quán Quảng Đông giữa phố cổ Hà Nội Làng nghề đường phên ở Cao Bằng Làng hương ở Hà Nội lên báo Pháp Làng nghề làm cỏ bàng thủ công của người Khmer Phú Lễ - làng nghề trăm tuổi ở Bến Tre