Thứ tư, 6/11/2024
Thứ năm, 28/7/2022, 06:00 (GMT+7)

Ngôi nhà 'chẻ đôi'

TP HCMDI house thực chất là hai khối nhà riêng biệt, kết nối với nhau bằng một hành lang dọc và mái bê tông lượn sóng tạo cảm giác ngôi nhà bị chẻ đôi.

Ngôi nhà nằm ở huyện Củ Chi, là nơi ở của gia đình 7 thành viên gồm ba thế hệ, có diện tích 200 m2, trong khuôn viên rộng 650 m2.

Gia đình từng có thời gian dài sống ở chung cư, nơi các thành viên có nhiều cơ hội quan sát và trò chuyện. Khi xây nhà riêng, yêu cầu của chủ hộ là ngoài có chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ, gần gũi thiên nhiên công trình phải có không gian "như chung cư" để mọi người quây quần, gắn kết.

Ba tầng của công trình chia thành ba chức năng: tầng một là khu vực sinh hoạt chung, tầng hai là không gian riêng tư của các thành viên, tầng ba là không gian cho hoạt động sáng tạo của gia chủ.

Khối dáng công trình lấy cảm hứng từ những khối hộp gỗ đặc rỗng đan cài vào nhau. Màu cam là chủ ý của kiến trúc sư nhằm tạo tính tương phản với màu xanh cây cỏ xung quanh. Sắc cam cũng khiến ngôi nhà trở nên nổi bật, còn mang ý nghĩa về năng lượng tươi mới và sự ấm áp.

Kiến trúc sư chủ đích sử dụng loại gạch lát nền truyền thống cắt nhỏ ra để ốp tường.

Đây là loại gạch nung không tráng men, thường có sai khác về màu sắc từng viên. Sự kết hợp này tạo ra sự chuyển tiếp về màu sắc, khiến bức tường như một mảng Mosaic.

Chi tiết đặc biệt nhất trong nhà là hệ mái cong bằng bê tông nằm trên khu vực thông giữa tầng 2 và tầng 3, được đúc bằng bê tông vân cót tre.

Đường cong mềm mại của mái là sự tương phản và làm cân bằng vẻ thô cứng trong tổng thể khối dáng của ngôi nhà. Những đoạn mái cong còn có chức năng giảm bớt ánh nắng gắt từ các khe sáng trên mái xuống không gian phía dưới.

Phía trên các mái cong bê tông là hệ pin năng lượng mặt trời. Giữa những mái cong có những khoảng lấy sáng thú vị. Dù gia chủ đóng kín mọi loại cửa cũng không lo thiếu sáng trong nhà.

Lối lên cầu thang các tầng, kiến trúc sư cũng sử dụng hệ tường cong với loại gạch hai lỗ. Các lỗ gạch cũng chính là lỗ thông hơi, tạo ra sự đối lưu không khí liên tục trong nhà.

Phòng tắm master được thiết kế lộ thiên vì gia chủ mong muốn đây là nơi nghỉ ngơi, thư giãn như trong resort. Để phòng tắm cũng có thể tận hưởng mảng xanh, kiến trúc sư đã thiết kế nơi này như một khu vườn thu nhỏ.

Trần phòng ngủ master dùng các tấm phản cót tre gắn nam châm để gắn lên hệ khung thép lắp sẵn. Cách thiết kế này giúp gia chủ khi cần, có thể tháo lắp trần dễ dàng.

Bản vẽ công trình.

Vì xây dựng trong thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh nên dù công trình khởi công từ tháng 10/2020 nhưng đến tháng 1/2022 mới hoàn thành.

Trang Vy
Thiết kế và thi công: Hinzstudio
Ảnh: Quang Trần