Những cánh tay giơ lên cầu cứu trên nóc nhà, bốn bề là nước. Những khuôn mặt khắc khổ, hoảng sợ và ướt nhẹp trong những căn gác áp mái thấp tè mà người miền Trung gọi là “chạn tránh lũ”. Điều khiến tôi day dứt nhất khi nhìn những hình ảnh đó là chúng tuy xót xa nhưng lại quá quen thuộc.
Năm 2010, sau trận lũ lịch sử, tôi cũng từng ngồi trong một cái “chạn tránh lũ” như vậy ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Chủ nhà kể cho tôi về sự hoang mang của ông khi ngồi nhìn nước dâng mỗi lúc một cao. Giữa cơn lũ dữ chỉ có căn gác ọp ẹp cao chừng 3m là nơi trú ngụ duy nhất của cả 6 nhân khẩu nhà ông.
Ở trụ sở UBND xã Phương Mỹ ông Nguyễn Hồng Quân, chủ tịch xã, tiếp tôi trong một căn phòng làm việc nằm ở tầng 2. Lúc đó căn phòng này là vị trí cao nhất của cả xã nhưng vẫn bị nước lũ tràn vào ngập tới gần một mét. Ông Quân mở cho tôi xem những khoản thống kê hỗ trợ từ trung ương. Chúng lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác.
Những bàn ghế, cửa gỗ của các cơ quan xã cứ vài năm lại được thay thế một lần vì ngập nước nhưng rồi lại tiếp tục dùng vật liệu gỗ.
Nhà dân sập, một khoản hỗ trợ được chi ra nhưng mức hỗ trợ chỉ đủ xây một căn nhà mới với chiều cao tương tự. Cả xã Phương Mỹ là nơi rốn lũ nhưng bao năm qua không có nổi một căn nhà cao để làm nơi sơ tán tập trung cho người dân. Những căn nhà tránh lũ, được xây cao và kiên cố để người dân yên tâm sống với lũ, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những cây cột điện ở Phương Mỹ đều chỉ có độ cao theo quy định chung của ngành điện. Nhưng với chiều cao này, mỗi khi nước ngập chúng trở thành những hàng rào chắn mọi lối ra vào của ca nô hay thuyền cứu hộ. Lãnh đạo xã, huyện đều biết điều này nhưng đề xuất để nâng chiều cao của các cột điện lên trên mức lũ là điều họ không làm được.
Rồi ông chủ tịch dẫn tôi đến những cửa cống bên dưới những đường quốc lộ đó chỉ để khẳng định rằng chúng bị thiết kế quá nhỏ không phù hợp cho việc thoát lũ. Ông Quân khẳng định không phải là biến đổi khí hậu mà chính là các tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế và xây dựng theo kiểu mạnh ai nấy làm của mỗi ngành từ giao thông, thủy lợi, hay điện lực mới chính là nguyên nhân khiến lũ ở miền Trung đang trở nên ngày càng trầm trọng.
Bàn ghế gỗ, cột điện, độ cao nền nhà, cửa cống... tất cả những thứ ấy năm này qua năm khác trở thành cơn ác mộng trong lũ lụt. Để rồi khi lũ qua đi, chúng lại xuất hiện với đúng kích thước, hình dạng ấy như chưa bao giờ có cuộc thương đau.
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương có lần từng bảo tôi rằng: càng về sau thì ông càng nhận thức rằng khái niệm “phòng chống lụt bão” là một khái niệm sai lầm. Bởi lụt bão thì không có cách nào chống được như đánh nhau với kẻ thù. Theo ông Ngọ chỉ có một cách là phải xây dựng cơ sở hạ tầng và làm quy hoạch để người dân có thể thích nghi và chung sống với lụt bão một cách ít thiệt hại nhất.
Nhưng khái niệm chung sống và thích nghi mà ông Ngọ nói tới đến giờ hầu như vẫn chỉ nằm trong các văn bản. Ở miền Trung, nhiều người dân cho biết lũ đang trở nên dữ dội hơn chính bởi việc cải tạo hạ tầng. Để tránh ngập các hệ thống đường quốc lộ được tôn nền cao như những con đê. Mỗi khi lũ về những con đê đó ngăn cản nước rút, tạo thành những dòng nước chảy xiết hơn đủ sức cuốn trôi nhà cửa.
Chuyện rất quen thuộc, vì cái lối nâng cốt đường này ta gặp ở cả những trận lụt cục bộ tại TP HCM.
Rút cuộc chúng ta còn lại gì sau lũ? Chúng ta chỉ còn những bài học. Nhưng những bài học đó lại quá chậm được tiếp thu. Và có lẽ bởi thế, mùa lũ năm nay thủy điện vẫn xả nước mà dân không biết, những dây điện vẫn cản đường vào của ca nô cứu hộ, những ống cống vẫn quá nhỏ để thoát nước và muôn vàn những bất cập từ hạ tầng vẫn khiến cho người dân miền Trung phải tiếp tục có thêm một năm ngoi ngóp trong cơn lũ dữ.
Mỗi năm ngân sách nhà nước vẫn chi ra hàng trăm tỷ đồng để cứu trợ lương thực cho người dân vùng lũ. Hàng nghìn tỷ đồng khác vẫn được chi để sửa chữa tái thiết hạ tầng nông thôn. Chúng ta dường như đã quen rằng số tiền khổng lồ đó cứ đến sau mỗi trận lũ sẽ lại giải ngân.
Những cơn lũ mang về đau thương quen thuộc, bởi chúng đã được tiếp đón một cách quen thuộc. Sau đợt lũ này, ngân sách sẽ lại được chi ra để khắc phục hậu quả. Và tôi đoán, các cơ quan sẽ lại dùng tiền ấy, mua bàn ghế gỗ.
Lê Anh Ngọc