Đức mẹ đồng trinh Mary là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới cổ đại. Ngày nay, những vật dụng thực sự do Đức mẹ đồng trinh Mary để lại hầu như không còn tồn tại, nhưng ngôi mộ nằm dưới chân núi Olives ở thung lũng Kidron, Jerusalem, vẫn được cho là nơi chôn cất bà, theo Ancient Origins.
Đức mẹ Mary qua đời vì nguyên nhân tự nhiên. Theo Dormition of Theotokos, bà mất trong lúc ngủ tại Jersusalem. Độ tuổi khi bà qua đời chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số ghi chép khẳng định, giống như Chúa Jesus, Đức mẹ Mary cũng phục sinh và vào ngày thứ ba sau khi chết, linh hồn và cơ thể bà bay lên thiên đường. Mộ bà hoàn toàn trống rỗng ba ngày sau tang lễ.
Vào thế kỷ 5, sử gia Cyril xứ Scythopolis ghi lại trong cuốn Euthymiaca Historia việc hoàng đế Marcian và hoàng hậu Pulcheria chất vấn về hài cốt Đức mẹ Mary. Giáo trưởng Jerusalem, Juvenal, trả lời không có hài cốt bởi Mary đã rời khỏi mộ ba ngày sau đám tang của bà.
Từ khi Cơ Đốc giáo bắt đầu phổ biến, ngôi mộ được cho thuộc về Đức mẹ Mary trở thành một địa điểm linh thiêng. Năm 1972, Bellarmino Bagatti, nhà khảo cổ học kiêm thầy tu dòng Francis, đã cho khai quật ngôi mộ. Bagatti cho rằng khu mộ là một nghĩa trang cổ đại ra đời từ thế kỷ 1 và có thể chôn cất những vị anh hùng trong Kinh Thánh.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ba hầm chôn cất và Bagatti xác định ngôi mộ chính là nơi an táng Đức mẹ Mary. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa chắc chắn về niên đại của các hầm này. Việc xác định niên đại dựa trên kiến trúc ban đầu của mộ rất khó do mọi ngôi mộ thời Kinh Thánh (từ năm 1004 trước Công nguyên đến năm 70) đều giống nhau.
Ngôi mộ ở Jerusalem được nhiều học giả chấp nhận là nơi chôn cất thực sự của Đức mẹ Marry nhưng đây không phải là địa điểm an táng duy nhất của bà. Một giả thuyết khác cho rằng bà yên nghỉ ở Turkmenistan, tại một địa điểm có tên Mary hay Mari.
Xem thêm: Mộ Chúa Jesus sắp được mở
Phương Hoa