Các nhà khảo cổ khai quật tổ hợp mộ ở một kinh đô cổ đại của Trung Quốc. Tổng cộng 24 ngôi mộ được phát hiện ở di chỉ tại thành phố An Dương thuộc tỉnh Hà Nam, cách di chỉ Ân Khư ở trung tâm thành phố chưa đến 2,4 km. Tàn tích ở di chỉ đến từ kinh đô của nhà Thương, tồn tại từ năm 1600 đến 1046 trước Công nguyên.
Tổ hợp mộ mới phát hiện bao gồm một số hố đất chứa xe chiến, xác ngựa kéo xe và hài cốt của chiến binh. Một số chiến binh còn đội mũ trang trí bằng những chuỗi vỏ sò khi họ chết. Trong khi đó, đầu của vài con ngựa đeo tấm chắn màu vàng và lớp lót bằng đồng.
Theo Kong Deming, giám đốc Viện di sản văn hóa và khảo cổ tại Đại học Pennsylvania, tập tục chôn sống người hầu trong tang lễ của chủ nhân địa vị cao rất phổ biến dưới thời nhà Thương.
Các nhà khảo cổ học đến từ An Dương khai quật di chỉ trong khoảng 2 năm. Tính đến nay, họ đã tìm thấy nền móng của 18 ngôi nhà cổ, cùng với 24 ngôi mộ và hố đất chứa 6 cỗ xe ngựa có hài cốt của binh lính và ngựa. Nhóm khai quật cho rằng di chỉ này là trung tâm sinh hoạt chính của một bộ tộc gọi là "Ce". Người Ce có thể cũng được chôn cất tại đó bởi vại đồng khắc chữ "Ce" xuất hiện trong một số ngôi mộ.
Theo Kong, biểu tượng của bộ tộc Ce có mặt trên nhiều cổ vật bằng đồng tại di chỉ. Ngoài đồ đồng, các nhà nghiên cứu còn phát hiện cổ vật làm từ ngọc bích, đá, xương và vỏ sò. Nhiều cổ vật trang trí hoa mỹ, chứng tỏ bộ tộc Ce rất giàu có. Dù thợ trộm mộ có thể đã xâm nhập một trong những ngôi mộ lớn nhất, các ngôi mộ còn lại vẫn chứa cổ vật đa dạng và bảo quản tương đối tốt.
Nhóm khảo cổ hy vọng có thể tìm hiểu nhiều hơn về địa vị xã hội của bộ tộc, sự phân chia lao động và quan hệ của họ với hoàng thất nhà Thương. Họ tìm thấy nền móng của vài ngôi nhà, bao gồm bậc thang và một bức tường trang trí, hé lộ phương pháp xây nhà ở thời đại này.
An Khang (Theo Live Science)