Ancient Origins hôm 27/4 đưa tin, ngôi mộ của vị bác sĩ nằm gần Jászberény, thành phố cách Budapest khoảng 80,5 km. Chứa những dụng cụ y tế của vị bác sĩ, sự hiện diện của ngôi mộ gây bối rối cho nhóm khảo cổ bởi họ không thể lý giải tại sao ông lại di tới nơi cách xa quê nhà như vậy.
Theo Đại học Eötvös Loránd, ngôi mộ nằm nguyên vẹn suốt khoảng 2.000 năm. Trong mộ có hài cốt của vị bác sĩ với hộp sọ và xương đùi hoàn chỉnh, cùng rương gỗ chứa bộ dụng cụ y tế, dấu vết còn sót lại của thuốc. Bộ dụng cụ có chất lượng cao, bao gồm kìm, kim khâu, nhíp, dao mổ có phần lưỡi thay được, đá mài có thể dùng để trộn thuốc hoặc làm sắc lưỡi dao. Đây là bộ dụng cụ y tế đầy đủ thứ hai dưới thời La Mã cổ đại mà giới nghiên cứu từng phát hiện. Bộ dụng cụ còn lại nằm ở Pompeii.
Theo Leventu Samu, trợ lý nghiên cứu ở viện khảo cổ của trường đại học, đây là quần thể mộ La Mã thuộc về một bác sĩ trong độ tuổi 50 - 60 và không có dấu hiệu bị thương hay mắc bệnh. Ngôi mộ gần như chưa từng bị xáo trộn ngoại trừ dấu vết của động vật. Dữ liệu hiện có không thể giúp xác định vị bác sĩ chữa bệnh cho một nhà cầm quyền có thanh thế lớn ở địa phương hay đi cùng quân đội La Mã, theo András Gulyás, nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Jász.
Từ chất lượng dụng cụ, có thể suy đoán bác sĩ có tay nghề cao và có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh. Các nhà khảo cổ sẽ tiếp tục nghiên cứu hài cốt và thiết bị y tế của vị bác sĩ để hiểu rõ hơn thời kỳ này trong lịch sử. Họ cũng có thể tìm hiểu thêm về cách hành nghề y của người La Mã cổ đại.
Dưới thời La Mã, có nhiều người làm nghề y, bao gồm bác sĩ, bà đỡ và thầy thuốc. Những bác sĩ được đào tạo bài bản ở trung tâm như Alexandria. Họ có địa vị cao trong xã hội và được trả công. Phẫu thuật thường là giải pháp cuối cùng, dùng để cắt cụt chi, tế hộp sọ và lấy sỏi thận. Do không dùng thuốc gây mê, quá trình phẫu thuật thường rất đau đớn đối với bệnh nhân.
An Khang (Theo Ancient Origins)