Rộng chỉ 388 km vuông, Rutland, nằm cách London 160 km về phía bắc, là một trong những hạt nhỏ nhất nước Anh. Với chiều rộng 29 km và dân số chỉ hơn 38.000 người, đây cũng là một trong những khu vực thưa vắng nhất nước Anh. Vì quá nhỏ nên Rutland chỉ gồm hai thị trấn trong đó có ngôi làng như tranh vẽ - Whitwell, nơi tổng dân số là 41 người.
Tuy nhỏ, nhưng nhiều khách du lịch có dịp lái xe qua Whitwell dọc theo đại lộ A606 từ Nottinghamshire đến Lincolnshire phải ngạc nhiên khi đi ngang qua một tấm biển chào mừng họ đến với Whitwell - ngôi làng sinh đôi với Paris.
Vậy làm thế nào mà một trong những ngôi làng nhỏ bé nhất nước Anh với dân số chỉ 41 người lại trở thành chị em sinh đôi với Paris - một trong những đô thị nổi tiếng nhất thế giới với dân số 2,3 triệu người?
Mọi sự bắt đầu từ một quán rượu địa phương.
Vào đầu năm 1980, một nhóm dân địa phương ở Whitwell gặp nhau tại quán bar duy nhất của làng, Noel Arms. Họ lập kế hoạch kết đôi ngôi làng với một thành phố nổi tiếng. Khái niệm về thành phố song sinh hay thành phố kết nghĩa có từ những năm sau thế chiến thứ hai. Thông thường đó là hai địa điểm liên quan có quy mô hoặc tầm quan trọng tương tự nhau như London được kết nghĩa với New York, Berlin, Rome, Tokyo, Bắc Kinh và Moskva, hoặc cùng chung một số liên kết về lịch sử hoặc văn hóa. Ví dụ, thành phố Whitby, nơi gắn bó với tên tuổi thuyền trưởng Cook - người tìm ra Australia, kết nghĩa với một số địa điểm gắn liền với các chuyến đi của ông, bao gồm Anchorage ở Alaska, Porirua ở New Zealand, và Nuku'alofa, thủ đô của Tonga.
Tuy nhiên, làng Whitwell và Paris có rất ít điểm chung ngoài cả hai đều ở châu Âu. Đề xuất kết nghĩa với Paris dường như vượt quá khả năng của ngôi làng tí hon. Dù vậy, người dân địa phương vẫn quyết định rằng người đứng đầu Hội đồng Giáo xứ Whitwell nên viết một lá thư đề nghị thị trưởng Paris và Tổng thống Pháp tương lai Jacques Chirac, thời đó đương nhiệm Thủ tướng.
Thật không may, hai bức thư đầu tiên từ Whitwell gửi đi không nhận được hồi âm. Nhưng, người đại diện Whitwell vẫn kiên quyết viết một lá thư thứ ba với một lời cảnh báo khôn khéo: tuyên bố rõ ràng rằng nếu dân làng không nhận được phản hồi cho đề nghị của họ trước 8h30 tối ngày 13/6/1980, khoảng năm tuần sau các quan chức Paris sẽ được coi là đã đồng ý với lời đề nghị. Tất nhiên, không có bức thư hồi âm nào từ Paris cả, vì vậy mối quan hệ hợp tác đã được tiến hành.
Các bảng hiệu sớm được dựng lên trong làng để đánh dấu, và lễ kỷ niệm được tổ chức tại The Noel Arms để đánh dấu sự kiện long trọng này. Không có một đại biểu nào của Paris đến dự. Mối quan hệ kết nghĩa vẫn duy trì tới giờ kể từ đó - ít nhất là đối với các công dân của Whitwell.
Bảo Châu (Theo Mental Floss)