Rạng sáng 26/11, anh Nguyễn Ngọc Đào, thôn 6, xã Trà Bui đang ngủ bất ngờ nghe tiếng nổ phát ra từ lòng đất. Bật dậy cầm đèn pin rọi xung quanh, anh phát hiện phía trước và sau nhà đất nứt toác.
Không riêng nhà anh Đào, trong thôn xuất hiện gần 10 vết nứt, vết lớn nhất dài khoảng 25 m, rộng 30 cm, sâu 100 cm. Phía trước làng giáp đường bêtông bị sạt lở, uy hiếp nhiều ngôi nhà. Trong đêm tối, 10 hộ dân với 43 nhân khẩu di dời đến trường tiểu học của xã và nhà người thân trú tránh.
Ông Phạm Sơn Triều, Chủ tịch xã Trà Bui, cho biết các vết nứt khiến 10 hộ dân ở thôn 6 có nguy cơ sạt lở. Sau khi khảo sát, huyện dự định hạ bớt độ cao taluy dương và gia cố, xây dựng bờ kè ở đường nứt để đảm bảo an toàn.
"Hiện tại trời còn mưa nên việc khắc phục sạt lở gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ tạm thời căng dây báo hiệu nguy hiểm và tăng cường lực lượng túc trực, đợi thời tiết thuận lợi sẽ xử lý", ông Triều nói.
Mưa lớn cũng khiến tuyến đường độc đạo ĐH 8 đi vào xã Trà Bui bị sạt lở 10 điểm, hàng nghìn mét khối đất đá tràn khắp mặt đường. Ba ngày qua xã bị chia cắt, những người có việc cần thiết phải thuê ghe thuyền đi trên lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 ra trung tâm huyện.
Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam cho biết từ đêm 25 đến 27/11, ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông trên cao, vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía tây bắc của tỉnh mưa 20-50 mm; vùng núi phía tây nam mưa 60-200 mm, có nơi cao hơn như thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) 242 mm, Khâm Đức (huyện Phước Sơn) 226 mm, Phước Hiệp (huyện Phước Sơn).
Dự báo từ ngày mai, mưa giảm còn 20-40 mm.