Dọc biên giới Trung Quốc - Myanmar, người dân tộc thiểu số Bố Lãng thường kể câu chuyện về già làng Pa Ai Leng - người đã mang đến sự thịnh vượng cho họ. Già làng không để lại cho đời sau bò ngựa vì sợ dịch bệnh sẽ chết, cũng không để bạc vàng vì sẽ khiến con cháu phụ thuộc. Ông để lại những cây chè làm nguồn của cải vô tận.
Rất khó tìm ra nguồn gốc của truyền thuyết này, song có một phần sự thật. Kể từ năm 2000 tới nay, những cây chè lá to, cổ thụ của vùng và loại trà Phổ nhĩ sản xuất từ cây này, đã trở thành mặt hàng có giá trị và được săn lùng nhiều nhất Trung Quốc. Một cân trà Phổ nhĩ thu hoạch từ gốc chè trăm tuổi có thể mang về từ 1.000 đến 2 triệu tệ.
"Khi giá trà từ dưới 15 tệ một kg năm 2003 lên 100 tệ năm 2005, tôi đã thấy vô cùng cao", Xiang, một người dân tộc Bố Lãng 50 tuổi nói. "Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình giàu có. Trong một năm tôi đã mua ba chiếc xe máy", ông nói thêm.
Làng Manban, tỉnh Vân Nam của Xiang cũng như nhiều ngôi làng khác đã thay đổi rõ rệt nhờ vào trà Phổ nhĩ cổ thụ. Địa hình đồi núi, đường xá khó khăn, thậm chí năm 2012 có những người đã mắc kẹt trong này tới hai tháng vì lở đất cô lập làng với bên ngoài. Nhưng chính địa hình này lại trở thành vận may của hiện tại.
Giai đoạn 1950-1980, rất nhiều nơi đi theo chính sách hiện đại hóa sản xuất nên chặt phá cây cổ thụ, để làm đồn điền kiểu mới. Riêng làng Manban chỉ khai phá đất mới làm chè và bỏ hoang vùng trồng trọt cũ chứ không chặt cây. Thời đó, trà được thu hoạch của các cây cổ thụ bán chưa tới một tệ một kg. "Các công ty chè chuộng loại nước vàng, lá và búp nhỏ. Trà của chúng tôi bị coi là loại kém nhất trong các loại kém", cụ Bu, 80 tuổi, người làng Manban nói.
Thời thế thay đổi vào năm 2007, khi một số công ty vừa và nhỏ làm quảng cáo và tiếp thị trà cổ thụ. Rất nhanh chóng, trà Phổ nhĩ cổ thụ trở thành mặt hàng được săn lùng dành cho những người sành, các thương gia, tầng lớp trung lưu trở lên. Họ ngợi ca hương vị, xem nó như một di sản, lộc trời và cống phẩm chỉ có vua chúa xưa được uống.
Giá trà tăng gấp 10 lần sau 10 năm. Thu nhập bình quân của một hộ gia đình trong làng đã tăng từ dưới 2.000 tệ năm 2000 lên 100.000 tệ năm 2019, gần gấp 10 lần mức trung bình vùng nông thôn Vân Nam.
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường trà cổ thụ đã gây ra "bất bình đẳng" giữa người trồng chè cũ và chè mới. Giá một kg trà Phổ nhĩ cổ thụ cao gần gấp 5 lần giá Phổ nhĩ giống mới, năm 2021.
Anh Bing, ngoài 30 tuổi nói, năm xưa bố anh xem trà cổ thụ là vô giá trị, nên toàn bộ rừng chè của ông nội đều do chú anh thừa kế. "Giờ đây, gia đình chú tôi dễ dàng kiếm được 100.000 tệ chỉ trong một mùa xuân, còn nhà tôi cả năm khó kiếm được nửa số đó", Bing chia sẻ.
Bing biết dù nhà anh chăm chỉ đến đâu, cũng không thể theo kịp gia đình chú. "Những người không có chè cổ thụ như tôi cứ thế mở đồn điền, nhưng 1/6 diện tích chè của tôi hiện tại vẫn thấp hơn một cây cổ thụ", anh nói thêm.
Sự phân chia kinh tế xã hội giữa các làng còn đáng kinh ngạc hơn. Năm 2003, một nửa dân làng Manban chuyển đến một ngôi làng mới xây ở chân núi, với hứa hẹn về cuộc sống hiện đại và giao thương, giao thông tốt hơn. Nhưng chỉ vài năm sau giá trà Phổ Nhĩ cổ thụ tăng vọt, làm cho những người rời đi nhanh chóng nhận ra chính những gia đình ở lại - từng bị coi là ngoan cố và bảo thủ - mới may mắn. Hiện tại, đơn giá chè ở làng mới thấp hơn 12 lần làng cũ. Nhiều gia đình ở làng mới trở thành lao động hái và sao chè thuê cho làng cũ.
Trước năm 2007, không cô gái nào ở làng mới muốn làm dâu làng cũ. "Nhưng bây giờ chúng tôi đang cạnh tranh để trở thành lao động cho họ", Ban, một thanh niên làng tếu táo.
Trong một cuộc đấu giá năm 2021, 10 kg lá chè tươi sau khi sao sẽ được khoảng 2,5 kg trà khô, đã được đấu giá 10,68 triệu nhân dân tệ.
Câu chuyện của trà Phổ nhĩ cổ thụ - món quà của Pa Ai Leng dành cho dân tộc Bố Lãng như cổ tích. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh một hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc và trên thế giới, đó là khi các hàng hóa thông thường bị thổi phồng, giá trị của chúng không thể hiểu được bằng các lý thuyết kinh tế học.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)