Bên trong Ngôi làng Giáng sinh ở Trung Quốc. Nguồn: ABC News.
Tại thành phố Nghĩa Ô được mệnh danh là "Ngôi làng Giáng sinh của Trung Quốc", cách Thượng Hải khoảng một tiếng đi bằng tàu cao tốc về phía nam, không có những chú yêu tinh hay tuyết rơi nhưng không khí Giáng sinh ở đây không thua kém ở xứ lạnh, theo Bloomberg.
Những con phố thương mại rất nhộn nhịp với các cửa hàng bán tất cả mọi thứ liên quan đến Giáng Sinh: cây thông mini, tuần lộc nhựa, vòng hoa lấp lánh và đèn nhấp nháy nhiều màu sắc. Tất cả các cửa hàng treo vòng hoa Giáng sinh kín đến tận trần nhà. Hàng hoá được bày bán tràn ra ngoài vỉa hè.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ tưởng như sẽ dập tắt không khí lễ hội ở "Ngôi làng Giáng sinh" của Trung Quốc, nơi cung cấp tới 60% các sản phẩm trang trí Giáng sinh cho cả thế giới. Nhưng, ít nhất cho đến lúc này, có vẻ như sức mạnh của toàn cầu hoá và sự kết dính trong chuỗi cung thế giới, đã thắng thế. Cô Hong Feihong, chủ sở hữu của một cơ sở sản xuất đồ trang trí Giáng sinh, cho biết: "Số lượng các đơn hàng từ Mỹ trong dịp Giáng Sinh năm nay rất tốt. Tôi không thực sự quan tâm ông Trump đang làm gì. Dù có làm gì, cũng chẳng ảnh hưởng đến chúng tôi".
Dù những chuỗi đèn trang trí lấp lánh, xe trượt tuyết kích cỡ thật và những chiếc tạp dề in hình Ông già Noel đều là sản phẩm của văn hoá phương Tây, những thứ này đang đóng góp phần vào ngành công nghiệp trị giá 5,6 tỷ USD của Trung Quốc. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh với Trung Quốc về năng lực chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng để sản xuất đồ trang trí Giáng sinh với số lượng lớn đến như vậy.
Thế mạnh của Nghĩa Ô, công xưởng sản xuất các sản phẩm Giáng sinh của thế giới, nằm ở chuyên môn hóa và tập trung nguồn lực. Vì vậy, các nhà bán lẻ, bao gồm cả Mỹ, buộc phải phụ thuộc vào những nhà cung cấp ở Nghĩa Ô, bất chấp chính quyền Trump đã áp mức thuế 10% lên đèn Giáng sinh và giấy bọc quà sản xuất ở Trung Quốc. Kể cả khi thuế có thể sẽ tiếp tục tăng lên 25% vào ngày 1/1 năm tới, các nhà bán lẻ cũng chưa có động thái chuyển qua làm ăn với những nhà sản xuất ở các nước khác.
Các doanh nghiệp Mỹ nhập tới 90% đèn trang trí Giáng sinh từ Trung Quốc nên mặt hàng này bị ảnh hưởng nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 419 triệu USD đèn trang trí và 2,3 tỷ các sản phẩm trang trí khác, theo số liệu thống kê của trung tâm số liệu Liên Hợp Quốc.
Wang Chaoyi, một doanh nghiệp sản xuất đèn, cho biết không quá lo lắng việc tăng thuế. Thay vì chỉ bán các chuỗi đèn nhỏ, doanh nhân này gắn các loại đèn vào các sản phẩm Giáng sinh lớn hơn. Và người tiêu dùng Mỹ sẽ chấp nhận trả nhiều tiền hơn cho đèn trang trí vì đơn giản họ không có lựa chọn tiết kiệm hơn. "Họ không thể mua được những sản phẩm này ở nơi khác", Wang nói. "Lợi thế của chúng tôi là bán nhiều loại mặt hàng cùng một lúc, do vậy, giữ giá bán ở mức có lời".

Công nhân gia công cây thông nhân tạo tại một sản xuất ở thành phố Nghĩa Ô, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ như của ông Wang là một tập hợp những doanh nghiệp nhỏ khác: một nhà cung cấp bóng đèn, một nhà cung cấp dây điện và một cơ sở khác chuyên phủ nhựa cho dây điện. Khi Wang thay đổi màu sắc hoặc thiết kế của sản phẩm, các nhà cung cấp sẽ điều chỉnh và gửi vật liệu mới. Quan trọng là địa điểm của các doanh nghiệp này chỉ cách nhà máy của ông Wang khoảng một tiếng lái xe.
Điều này cũng đúng với các công ty sản xuất đồ chơi. Trong những năm gần đây, một số đã thử chuyển nhà máy tới Ấn Độ và Indonesia nhưng rồi hầu hết đều phải quay trở lại Trung Quốc, nơi có sẵn vật liệu thô, lao động, dịch vụ vận tải và sự ổn định chính trị.
Giữa lúc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc "nước sôi lửa bỏng", các nhà bán lẻ như Walmart, Dollar Tree hay Ace Hardware đã viết "tâm thư" gửi Tổng thống Trump, mong đèn trang trí Giáng sinh sẽ được đưa ra khỏi danh sách các mặt hàng bị đánh thuế. "Theo hiểu biết của chúng tôi, nếu xét về mặt kinh tế và lợi ích thương mại, những sản phẩm này không có ở đâu ngoài Trung Quốc", Ace Hardware trình bày trong một lá thư gửi đại diện thương mại Mỹ.
Dịp lễ Giáng sinh cũng mang đến cho các thương lái tại Nghĩa Ô những lợi thế về giá. "Nếu họ không đồng ý với mức giá tôi đưa ra, tôi luôn có thể bán cho khách hàng đến từ các nước khác", Ji Jingseng, giám đốc công ty có thâm niên sản xuất cây thông Noel nhựa suốt 18 năm. "Tôi chỉ lo không kịp sản xuất đủ số lượng theo đơn đặt hàng chứ không lo không thể bán được".
Thói quen thay đổi mẫu mã hàng năm của các nhà bán lẻ cũng góp phần tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp ở Nghĩa Ô. Các sản phẩm bán chạy nhất mùa Noel năm nay đều có màu sắc theo tông hồng nhạt hoặc xanh bạc hà, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Một chủ sản xuất cho biết những thay đổi như thế đòi hỏi phải có chuỗi cung ứng chặt chẽ. Mỗi cây thông mini màu hồng với bông tuyết và quả thông đòi hỏi ba nhà cung cấp điều chỉnh theo yêu cầu. "Không dễ để làm ra một cây thông như thế này, mỗi phần đều sản xuất ở một nơi khác nhau".
Thách thức lớn nhất với các nhà máy ở Nghĩa Ô chính là thị trường địa phương. Hầu hết người Trung Quốc không ăn mừng Giáng sinh, có nghĩa là nhu cầu trong nước đối với những sản phẩm sản xuất ở Nghĩa Ô rất hạn chế. Đối với thị trường nội địa, các nhà máy ở Nghĩa Ô đành dùng "chiêu" - đi trước một bước. Ông Wang đang thử nghiệm một số thiết kế mới như bí ngô màu cam in mặt quỷ dành cho lễ Halloween năm sau và những chiếc đèn lồng nhỏ cho Tết Âm lịch. Nhưng lúc này, Giáng Sinh vẫn là "ông hoàng" ở Nghĩa Ô.
An Hồng