Thứ ba, 16/4/2024
Thứ ba, 3/3/2015, 07:37 (GMT+7)

Ngôi làng 200 năm nấu rượu trong nồi đồng

Làng Kim Long ở Quảng Trị từng được Pháp lựa chọn nấu rượu xuất sang Pháp, nay đang dần hình thành điểm du lịch giới thiệu nghề truyền thống.

Làng Kim Long thuộc xã Hải Quế (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), có lịch sử 600 năm. Nghề nấu rượu ra đời cách đây 200 năm, có tiếng từ những triều đại phong kiến, lưu danh ở thời Pháp thuộc và phát triển đến ngày nay.

Theo Đại Nam nhất thống chí được biên soạn thời vua Tự Đức, ở quyển thứ tám mục Thổ sản có nhận xét: "Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết". Điều này góp thêm phần trang trọng và mang tiếng thơm về vị trí một thời vang bóng của rượu Kim Long.

Đến thời Pháp thuộc, sau khi khảo sát nhiều làng nấu rượu ở miền Trung, người Pháp chọn vùng Kim Long, chiếm hết các lò nấu rượu và lập công ty rượu Xika. Rượu nấu ra được đóng vào chai, ngâm hồ nước lạnh rồi theo thuyền ra sông Vĩnh Định chở vào Huế trước khi lên tàu lớn sang Pháp và từ đó xuất cảng khắp thế giới. Pháp từng đưa công nghệ này về nước sản xuất nhưng không thành công.

Kế thừa tiếng thơm trong lịch sử, ngày nay người Kim Long lưu giữ cách nấu rượu truyền thống. Sau 5 ngày đêm ngâm ủ liên tục, 3 kg gạo cho ra một lít rượu.

"Thức giấc từ 4h sáng, đến gần trưa mới nấu được một lít rượu. Dù vất vả nhưng chúng tôi không chuyển sang phương thức nấu công nghiệp, tuy cho nhiều rượu nhưng làm mất hương vị do ông bà dày công sáng tạo và lưu giữ", ông Nguyễn Dỏng, một hộ có 3 đời nấu rượu, cho biết.

Vài năm trở lại đây, người Kim Long canh tác thêm loại gạo đỏ, gạo thảo dược để nấu rượu. Hiện tại, rượu Kim Long thành phẩm có 4 loại, gồm rượu gạo, rượu nếp, rượu đỏ, rượu thảo dược, nồng độ khoảng 45%.

Rượu được nấu theo phương thức "thủy thượng". Cơm rượu chứa trong nồi đồng, lửa đun làm hơi rượu bốc lên, gặp nước lạnh ở lao gỗ ngưng tụ thành rượu. Quá trình chưng cất phải đảm bảo lửa đều, sức nóng vào nồi đồng đều đặn. Người Kim Long lựa chọn cây phi lao, loài cây mọc trên cát có thân chắc, cháy liu riu làm chất đốt nấu rượu.

Người dân Kim Long lựa chọn nồi đồng để nấu rượu. Theo các bô lão, việc này giúp rượu giữ vị nồng cay đặc trưng. Ngày nay, nồi đồng trở nên đắt đỏ và khan hiếm nên nồi bằng các chất liệu khác mới được lựa chọn. Phía trên lao gỗ làm ngưng tụ rượu cũng được chế tạo riêng biệt.

"Nước, khí hậu, gạo cộng với phương thức nấu truyền thống độc đáo giúp rượu Kim Long giữ được hương vị thơm nồng nức tiếng. Nhiều làng khác học cách nấu nhưng đều không thành công", ông Dỏng nói thêm.

Làng Kim Long có 300 hộ làm nghề nấu rượu với sản lượng 3-5 lít/hộ/ngày, thu hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. "Rượu nấu ra do các hộ tự phân phối đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện làng nghề xây dựng thương hiệu để đưa rượu vào hệ thống siêu thị, cửa hàng… mở rộng thị trường trên toàn quốc nhằm nâng cao giá bán, tăng thu nhập cho hộ làm nghề", ông Nguyễn Tuần, một hộ dân nhiều năm phân phối rượu đi TP HCM cho biết dự định trong năm.

"Về lâu dài, chúng tôi đang quy hoạch để biến làng nghề thành điểm du lịch, trình diễn quy trình nấu rượu độc đáo kết hợp bán đặc sản gạo đỏ, gạo thảo dược… Hiện, hai hộ dân đã được đầu tư bài bản để thực hiện mô hình này", ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Kim Long thông tin.

"Xây dựng làng nghề truyền thống kết hợp du lịch mang lại cho người dân cơ hội để giới thiệu nghề nấu rượu, tăng thu nhập, nhưng quan trọng nhất là giữ gìn và phát triển nghề do cha ông để lại", ông Tuần hớn hở nói.

Hoàng Táo

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net