Thứ tư, 18/12/2024
Thứ tư, 7/8/2019, 02:08 (GMT+7)

Ngôi đình đầu tiên của người Hoa ở Sài Gòn

Đình Minh Hương có tuổi đời 230 năm, do cộng đồng Hoa kiều xây dựng khi đến định cư ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đình Minh Hương Gia Thạnh (đường Trần Hưng Đạo, quận 5) xây dựng năm 1789, là công trình kiến trúc của người Hoa vùng đất Chợ Lớn xưa.

Thế kỷ 17, nhà Thanh thay thế nhà Minh ở Trung Quốc, nhiều người lưu vong sang Việt Nam. Cái tên Minh Hương là ghép của triều Minh, còn "Hương" nghĩa là làng. Minh Hương là "làng của người Minh" và được dùng để gọi cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.

Năm 1698, làng Minh Hương được thành lập. Để hòa nhập với cư dân Việt, đình được xây dựng. Theo quan niệm người Việt, ngôi làng phải có đình thờ thành hoàng, người sáng lập hay có công với vùng đất ấy. Đây cũng là ngôi đình đầu tiên của người Hoa ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường" nên đình có tên như hiện tại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quen gọi với tên Minh Hương.

Ban đầu đình chỉ có một tầng, đến năm 1962 xây thêm tầng lầu trên chính điện. Trên đỉnh mái của cả hai tầng đều có tượng lưỡng long tranh châu - hình ảnh quen thuộc trong kiến trúc cung đình, chùa chiền... ở Việt Nam.

Mái đình lợp ngói lưu ly, loại ngói phổ biến trong kiến trúc ở Việt Nam và các nước Á Đông. Hiện, phần mái được quét thêm lớp vữa để tránh hư hỏng.

Trên đỉnh các lớp mái ngói là hàng dài gồm nhiều tượng to nhỏ, phong phú thể loại, được trang trí liên hoàn. Loại hình này được gọi là tiếu tượng. Mỗi tượng thể hiện một nhân vật, câu chuyện như: Cá chép hóa rồng, ông Nhật bà Nguyệt, Kim Đồng - Ngọc Nữ, các tuồng tích của Trung Quốc...

Hệ tiếu tượng ở đình Minh Hương có từ năm 1901, được làm chủ yếu bằng gốm, chế tác tinh xảo. Những tượng ở đây được sản xuất bởi các nghệ nhân của dòng gốm Cây Mai, một thời nổi tiếng ở Nam bộ.

Với giá trị cao, nhiều bức tượng bị trộm mất và dấu tích tàn phá nay còn lưu lại nham nhở trên mái đình.

Bên trong đình gồm võ ca, chánh điện và hậu điện được xây theo lối nhà năm gian với kèo gỗ, mái lợp ngói ống, tường gạch. Kiến trúc này giống các ngôi đình truyền thống Nam Bộ nhưng kết hợp nét mỹ thuật của người Hoa.

Kết cấu đình gồm nhiều khung gỗ kiểu kẻ chuyền. Các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá tạo cho không gian thêm nét cổ kính. Cột gỗ không sơn thếp vàng mà mộc mạc màu nâu đơn thuần của gỗ.

Trên cột và các đà ngang treo nhiều hoành phi, câu đối, phần lớn được làm từ đầu và giữa thế kỷ 19. Đình Minh Hương hiện còn lưu giữ 25 bức hoành phi, 29 câu đối, tập trung nhiều nhất ở gian võ ca.

Đình còn có gian thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh. Họ là hai người Minh Hương làm quan đến chức Thượng thư, cùng với Lê Quang Định hợp thành "Gia Định tam gia", một nhóm nổi tiếng về văn học và sử học.

Những họa tiết được trang trí tinh xảo trên các cột, gian thờ, bộ bàn ghế...

Ngoài ý nghĩa là một di tích, đình còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ 19. Công trình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1993.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net