Thứ bảy, 11/1/2025
Thứ năm, 25/7/2019, 02:08 (GMT+7)

Ngôi đình cổ từng là nơi dạy học ở Sài Gòn

Đình Chí Hoà (quận 10) từng là nơi nhà giáo Võ Trường Toản mở lớp đào tạo những danh nhân văn hoá, trí sĩ yêu nước một thời.

Tọa lạc trong con hẻm 475 đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), cổng đình Chí Hoà nổi bật những họa tiết rồng bay, phượng múa, câu đối sơn son thếp vàng.
Đây là ngôi đình thuộc hàng cổ nhất tại TP HCM, được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1996.

“Không rõ năm lập đình khi nào, chỉ biết rằng đình có sau khi Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược (năm 1698), và thiết lập lên làng xã... Trong tập quán lâu đời của nhân dân, có làng là phải có đình để làm nơi hội họp, phổ biến những quy chế, phép tắc. Đình Chí Hoà xuất hiện và có tên gọi cũng từ tập quán ấy”, ông Phạm Thanh Lâm, Trưởng ban quản lý đình Chí Hoà, nói.
Theo ông Lâm, ban đầu, đình chỉ là nhà vách ván, mái lợp ngói âm dương, cất theo lối chữ tam dưới gốc cây đa cao lớn. Sau khi được vua Tự Đức ban sắc phong vào năm 1852, ngôi đình mới được xây dựng kiên cố và tu bổ vài lần về sau.

Kiến trúc đình mang đậm nét truyền thống: không lấy chiều cao làm trọng, toàn bộ mái được lợp ngói âm dương, đầu đao đính đuôi rồng, đặc biệt trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm xanh quý hiếm.

Bức phù điêu gốm Thần Hổ được thờ tự tôn nghiêm trong khuôn viên đình.

Bàn thờ Thần Nông đặt trước đình. "Xưa kia, đình vốn là vùng ruộng nước và đầm lầy. Người dân đã đào một con kênh thông với kênh Nhiêu Lộc để phục vụ việc tưới tiêu. Vì thế dân làng thờ Thần Nông để cầu mùa màng bội thu", Trưởng ban quản lý đình, giải thích. 

Chính điện đình gồm nhiều gian thờ tự, nổi bật là bàn thờ Thần hoàng Bổn cảnh với những cổ vật quý như cặp hạc, chiêng trống, áo mão, cân đai, long xa, võng điều và bộ tàn lọng.

Tượng thờ Bạch Mã bên phải chính điện.

Bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản trong chính điện. Theo Ban quản lý đình, vào khoảng từ năm 1785 đến 1792, cụ Võ Trường Toản đã mượn đình để mở lớp học, đào tạo ra những thế hệ học trò nổi tiếng sau này như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt...

Gian võ ca của đình mang không khí uy nghiêm, trầm mặc. Ngày nay, khu vực này vừa là sân khấu để tổ chức lễ Kỳ yên (16 tháng 2 âm lịch) để cầu Quốc thái dân an, vừa là nơi Ban quản lý đình tổ chức lễ trao học bổng Võ Trường Toản hàng năm cho con em các hội viên có thành tích xuất sắc.

Bức phù điêu đặt trong gian võ ca tái hiện khung cảnh lớp học xưa tại đình Chí Hoà với nhà vách ván, cây đa và bến nước.

Nguyễn Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net