Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 21/9/2022, 07:50 (GMT+7)

Ngôi đình 186 năm ở TP HCM hoang phế

Đình Tân Túc, huyện Bình Chánh, hiện mục nát, thường xuyên ngập nước, nhiều cột bị bong tróc, nứt, phải gia cố tạm bằng thanh sắt để tránh đổ sập.

Đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc) được xây dựng năm 1836, trong khu đất rộng 3.300 m2, bên sông Chợ Đệm. Đình có nhiều giá trị lịch sử với vùng đất Bình Chánh. Năm 1930, đây là nơi hội họp của Xứ ủy Nam kỳ, điểm tập kết của người dân đấu tranh đòi giảm thuế, chống bắt phu. Trong Cách mạng Tháng Tám, đình là nơi tập hợp lực lượng nổi dậy giành chính quyền... Năm 2003, đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.

Ban đầu, đình dựng theo lối truyền thống với vật liệu chủ yếu bằng gỗ, mái ngói, đến năm 1925 được xây lại như ngày nay. Cổng đình theo lối tam quan, còn đề năm xây dựng. Sau hơn trăm năm tồn tại, cổng thấp hơn mặt đường, các mảng sơn bám rêu đen kịt, mục nát.

Hàng rào bao quanh đình đổ xiêu vẹo, sụt lún, cỏ cây mọc um tùm.

Đình Tân Túc là ngôi nhà vuông rộng khoảng 100 m2, có kiến trúc mở rộng ra bốn mặt xung quanh, ở giữa là nơi thờ tự. Tường đình có gạch màu vàng đậm, mái ngói âm dương xen kẽ nhau, trên nóc mái trang trí tượng lưỡng long triều nhật.

Hiện, ngôi đình gần 200 năm tuổi vắng người tham quan. Khoảng sân phía trước gạch vỡ ngổn ngang, các mảng tường rêu phong, không còn giữ được màu sắc nguyên thủy. Phía trước đình đựng dựng 4 cây sắt áp vào các cột chịu lực để tránh đổ sập.

Nhiều viên ngói bị vỡ khiến mưa dột, phải che chắn tạm bằng tấm nhựa.

"Ngôi đình xuống cấp trầm trọng từ hơn chục năm nay. Tính từ khi xây lại đến giờ, đình có hai lần trùng tu vào khoảng những năm 1980 và 2004. Lần gần nhất đình được tu bổ lại cổng sau, dựng bia, xây tường rào và một số công trình phụ trợ", ông Huỳnh Văn Hà, Trưởng ban quản lý đình cho biết.

Bên trong đình được gia cố thêm 4 cột sắt dựng đứng để tăng chịu lực. Hầu hết mảng tường, cột bị ẩm mốc, nứt nẻ, bong tróc lớp sơn, vôi vữa...

Chánh điện rộng khoảng 30 m2, trưng bày nhiều cổ vật như: hạc cưỡi quy, phèng la, chiêng, trống, đao, kiếm, các bộ liễn… Phía trước là bản in lại sắc phong đình vào năm 1853, thời vua Tự Đức triều Nguyễn.

Trong chánh điện, một số cột đã mục nát, bong hết kết cấu bên ngoài. Theo Trưởng ban quản lý đình, một vài cổ vật bị hư hỏng do mưa dột.

Hai bên hông, nhiều mảng tường đã rơi hết lớp vôi vữa, gạch bị xói mòn, một số chỗ nứt toác.

Phần lớn con tiện lan can quanh lối vào, hành lang đều hư hỏng, bong tróc.

Nước ngập ở sân và trước gian nhà trưng bày cạnh ngôi đình. "Ở đây cứ mưa, triều cường là ngập vô tận trong chánh điện luôn, cả ngày cũng chưa rút hết", Trưởng ban quản lý đình cho biết.

Phía trước bình phong, bà Trần Thị Nhung, người trông coi đình thường tới dọn dẹp, cắt cỏ, phát quang bụi rậm... "Mấy tháng mùa mưa đình hầu như đọng nước suốt, rau cỏ dại mọc um tùm, càng làm không gian nơi đây thêm hoang phế", bà nói.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Chánh, tháng trước đơn vị có xuống khảo sát, sau đó huyện hỗ trợ 100 triệu đồng để Ban quản lý đình dặm vá những chỗ nứt gãy và dựng hàng cột sắt chống đỡ trong và ngoài di tích. "Việc này chỉ là sửa chữa khẩn cấp, còn để trùng tu ngôi đình phải xin ý kiến của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố", đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện nói.

Quỳnh Trần