Thứ ba, 28/1/2025
Thứ hai, 4/12/2023, 09:28 (GMT+7)

Ngôi đền cổ gần 600 năm thờ Lê Lai

Thanh HóaĐền thờ Lê Lai được xây dựng sau khi Lê Lợi chiến thắng giặc Minh, lên ngôi hoàng đế, nhằm tưởng nhớ vị tướng đã đổi áo bào, liều mình cứu chúa trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Đền thờ Trung túc vương Lê Lai hay còn có tên đền Tép toạ lạc trên một ngọn đồi thấp ở trung tâm làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện miền núi Ngọc Lặc - quê hương Lê Lai.

Đền thờ Lê Lai thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cách chính điện khoảng 6 km về phía Tây và cách thành phố Thanh Hoá hơn 50 km.

Theo sách Đại Việt thông sử, năm 1416 Lê Lai và Lê Lợi cùng 17 tướng lĩnh tổ chức hội thề Lũng Nhai chuẩn bị dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Tại hội thề, Lê Lai được trao chức Tổng quản Phủ đô tổng quân, tước quan Nội hầu.

Năm 1419 khi nghĩa quân Lam Sơn bị giặc vây hãm trên núi Chí Linh không còn đường rút lui, trong tình thế cấp bách, Lê Lai đã đổi áo bào cho Lê Lợi liều mình cứu chúa và bảo vệ lực lượng. Ông cưỡi voi xông ra trận phá vòng vây nhưng do lực lượng quân địch quá mạnh, Lê Lai bị bắt đem về Đông Đô tra tấn và xử chém.

Sự hy sinh cao cả của Lê Lai đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ghi nhớ công ơn của ông, Lê Lợi sau khi lên ngôi năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) đã cho lập đền thờ ông ở làng Tép và lệnh cho quân thần sau này làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày, từ đó dân gian có câu "hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi".

Tiền đường đền thờ Trung túc vương Lê Lai.

Theo sử liệu, năm 1450 niên hiệu Thái Hoà triều vua Lê Nhân Tông đã tiếp tục chỉ dụ cho tu sửa, tôn tạo ngôi đền làm nơi thờ tự, hương khói vị tướng tài ba đã quên mình cứu chủ tướng.

Trong các năm 1939, 1944 triều vua Bảo Đại, ngôi đền tiếp tục được trùng tu hậu cung lần cuối và có hình dáng như ngày hôm nay.

Ngôi đền được thiết kế, xây dựng theo lối chồng rường giá chiêng (một loại kiến trúc nhà truyền thống ở miền Bắc trước đây), mái cong như thường thấy ở các ngôi đình, chùa.

Bên trong đền Tép được bài trí ban thờ sơn son thiếp vàng.

Tại khu nhà hậu cung, có nhiều hiện vật cổ giá trị như hoành phi, câu đối được khắc trên các tấm gỗ nguyên khối, nội dung ca ngợi công đức và tấm gương anh dũng của vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê.

Bên phải đền thờ Lê Lai là ngôi đền thờ mẫu - tức thờ Đức thánh chúa bà Nương A Thiện - vợ Lê Lai.

Trên nóc nhà thờ mẫu có tượng lưỡng long chầu nguyệt vẻ uy nghi, cổ kính.

Phía trước đền thờ Trung túc vương Lê Lai có một hồ bán nguyệt lớn, quanh năm cây cối xanh tốt.

Quanh khuôn viên đền thờ Lê Lai có rất nhiều cổ thụ như cây sấu, đa, lim, lát... thân lớn hàng chục người ôm mới xuể.

Ngay cổng chính dẫn vào ngôi đền cổ còn có hai cây đại lớn, được cho là có tuổi đời hàng trăm năm, thân hình sần sùi. Hai cây đại này đã được xếp hạng cây di sản Việt Nam.

Hàng năm, lễ hội đền Tép diễn ra vào ngày 21/8 âm lịch và ngày 8/1 âm lịch - đúng ngày mất của Lê Lai.

Tại lễ hội thường có các hoạt động tế lễ, dâng hương diễn ra trang nghiêm và cung kính theo nghi lễ tế thần thời Lê. Ngoài ra còn có màn rước kiệu, hát chầu văn, biểu diễn cồng chiêng, múa kiếm, bắn cung, chọi gà.... Lễ hội trở thành một ngày hội lớn của người dân địa phương và thu hút hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, tế lễ.

Lê Hoàng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net