Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ hai, 12/2/2024, 09:00 (GMT+7)

Ngôi chùa lưu giữ kho cổ vật

Hải DươngHàng nghìn cổ vật, hóa thạch từ 30.000 năm trước được tìm thấy ở chùa Nhẫm Dương khi sư trụ trì vào hang đào đất tìm tượng Phật.

Chùa Nhẫm Dương (Thánh Quảng tự) ở phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn nằm sát chân dãy núi cùng tên. Theo nhiều tư liệu, chùa được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ 13), tôn tạo vào thời Hậu Lê, Nguyễn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa và hệ thống hang động xung quanh trở thành căn cứ cách mạng, nơi cất giấu vũ khí, lương thực. Sau khi bị phát hiện, nhà chùa phải tiêu thổ để giữ bí mật.

Năm 1954, chùa được dựng lại bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1960-1961, hòa thượng Thích Vô Vi về trụ trì đã cùng người dân xây dựng ngôi bảo điện tạm thời bằng đá, vôi, mái lợp tre, ngói đỏ.

Năm 1996, khi chùa xuống cấp, ni sư Thích Diệu Mơ đứng lên vận động phật tử xa gần phát tâm xây dựng lại trên nền đất cũ. Chùa hiện có quy mô bề thế với kiến trúc nhà chữ Công thuần Việt gồm năm gian tiền đường, hai gian ống muống, ba gian hậu cung.

Hang Tĩnh Niệm dài khoảng 100 m là nơi sư tổ Thủy Nguyệt cùng đệ tử tọa thiền, đàm đạo. Cuối năm 1999, trong quá trình đào động Tĩnh Niệm để tìm tượng Phật theo lời căn dặn của sư trụ trì đi trước, ni sư Thích Diệu Mơ phát hiện nhiều răng to, nhỏ bám chi chít vào vách đá. Khi cuốc đất vườn, ni sư cũng phát hiện nhiều tiền cổ, đồ gốm, dụng cụ thời xưa…

Những phát hiện này được báo cho Giám đốc Bảo tàng Hải Dương khi đó là ông Tăng Bá Hoàng để kiểm tra.

Nhận được đề nghị của Bảo tàng Hải Dương, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã về phối hợp khảo sát, khai quật các hang Tĩnh Niệm và động Thánh Hóa sau chùa Nhẫm Dương.

Riêng trong động Thánh Hóa, từ năm 2000 đến 2017, các nhà khảo cổ đã phát hiện và nghiên cứu 471 mẫu xương, răng động vật như đười ươi, tê giác, gấu ngựa, khỉ, lợn, nai, trâu, gấu... Các hóa thạch có niên đại từ 50.000 năm đến 30.000 năm trước.

Hai chiếc răng người hóa thạch thời kỳ Toàn tân (khoảng 9.700 trước Công nguyên) được tìm thấy năm 2003. PGS.TS Nguyễn Lân Cường đánh giá đây là báu vật, có nhiều giá trị trong nghiên cứu.

Phần mặt người thời kỳ đồ đá mới gồm xương trán, hốc mắt, hàm trên được đào ngay cửa động Thánh Hóa.

Theo các nhà khoa học, niên đại các hóa thạch ở chùa Nhẫm Dương có khả năng từ cách đây 50.000 đến 30.000 năm, góp phần làm phong phú thêm loại hình di tích cổ sinh ở Việt Nam.

Viên đá khắc các rãnh sâu cắt chéo kiểu "dấu Hạ Long", minh chứng cho thấy khu vực Kinh Môn thuộc vùng phân bổ của văn hóa Hạ Long hoặc là một vùng chịu ảnh hưởng đậm của văn hóa này.

Tại Nhẫm Dương, nhiều hiện vật vào hậu kỳ đá mới, sơ kỳ thời đại kim khí được phát hiện như rìu, bôn, cuốc bằng đá. Những dụng cụ này còn thô sơ, dùng để chặt cây rừng, khai hoang, lập ấp.

Các hiện vật đã cho thấy cách đây khoảng 4.000 năm, khu vực Kinh Môn được phù sa các con sông bồi đắp thành vùng đất đai màu mỡ, lôi kéo cư dân nguyên thủy đến khai hoang, sinh sống.

Di vật của văn hóa Đông Sơn thuộc hậu kỳ thời đại Kim khí tìm thấy rất nhiều ở Nhẫm Dương.

Thư tịch cổ Việt Nam cho biết vùng Kinh Môn thuộc bộ Dương Tuyền của các vua Hùng và nước Văn Lang. Cư dân khi đó biết trồng lúa nước, khai phá đất hoang bằng cuốc, mai, rìu đồng; săn bắt, chiến đấu bằng giáo đồng; sử dụng nhạc cụ...

Hiện vật xây dựng tìm thấy ở chùa Nhẫm Dưỡng có niện đại từ thế kỷ thứ 1 đến 20. Trong đó, hiện vật thời Trần phong phú và đẹp nhất, chứng minh sự hưng thịnh của ngôi chùa vào thời kỳ này.

Bộ sưu tập tiền cổ ở chùa Nhẫm Dưỡng có đến 728 đồng với 120 loại của 4 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Lào.

Trong bộ sưu tập có một số đồng tiền quý hiếm chưa từng công bố trong các sách của Việt Nam như Thiên Phù nguyên bảo thời Lý Nhân Tông, Đoan Khánh thông bảo thời Lê Uy Mục, Trí Pháp thông bảo (là loại tiền chùa, chưa từng phát hiện được ở đâu)...

Tiền cổ Thiệu Hy nguyên bảo thời Nam Tống, Hồng Hóa thông bảo thời cuối Minh (Trung Quốc); tiền Lát của Lào (thế kỷ thứ 14), tiền Nhật Bản (thế kỷ 17) cũng đều là các loại tiền hiếm trong các di chỉ khảo cổ học Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, việc phát hiện 4 loại tiền của 4 nước cho thấy nơi đây từng là khu buôn bán, thương cảng khá sầm uất.

Ấm gốm hình đầu gà có từ thế kỷ 1-3 được tìm thấy ở chùa Nhẫm Dương. Tại đây có ít nhất hơn 700 hiện vật đồ gốm có từ thế kỷ 1-3, chủ yếu xuất xứ Việt Nam. Chúng được tìm thấy trong quá trình tôn tạo chùa, nằm trong các hốc đá, dưới nền hang động và vườn chùa.

Với bề dày lịch sử - văn hóa kéo dài nhiều thời đại, năm 2003, chùa Nhẫm Dương được công nhận là di tích quốc gia. Năm 2016, chùa cùng quần thể di tích danh lam An Phụ - Kính Chủ được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Hiện chùa Nhẫm Dưỡng nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc, được gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Một phần hiện vật khảo cổ đang được trưng bày trong nhà thờ tổ Nhẫm Dương theo chủ đề để du khách tham quan, tìm hiểu.

Ni sư trụ trì cho biết số lượng cổ vật rất nhiều, nhưng do điều kiện nhà chùa nên không thể trưng bày hết, việc bảo quản cũng hạn chế.

UBND thị xã Kinh Môn đã quy hoạch xây dựng bảo tàng khảo cổ học tại phía tây và tây bắc núi Nhẫm Dương để lưu giữ, trưng bày hiện vật này.

Lê Tân