Chủ nhật, 12/1/2025
Thứ ba, 24/7/2018, 14:05 (GMT+7)

Ngôi chùa có kiến trúc Angkor ở Bạc Liêu

Chùa Xiêm Cán được xây dựng cách đây hơn 100 năm, có các chi tiết chạm trổ lạ mắt như hình rắn, thiếu nữ nhảy múa.

Chùa cổ Xiêm Cán nằm ở xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu được xây dựng năm 1887. Theo tiếng Tiều, ngôn ngữ của người gốc Triều Châu (Trung Quốc) sinh sống nhiều ở Bạc Liêu, Xiêm Cán có nghĩa là “giáp nước” bởi vùng đất này tọa lạc ngay bên cạnh một bãi bồi ven biển.

Giữa khuôn viên chùa, gian chính điện nổi bật lên vẻ đẹp trang nghiêm. Được xây trên nền gạch cao 1,5m với ba bậc cấp cùng một hành lang bao quanh, chánh điện có góc mái được đắp khúc đuôi rắn dài, uốn cong mềm mại.

Ấn tượng đầu tiên với du khách khi tới chùa là cổng được mô phỏng kiến trúc Angkor, phía trên có tượng rắn nhiều đầu, hình ảnh những thiếu nữ nhảy múa. Ngoài ra, bao quanh chùa là bức tường rào chạm nhiều hoa văn rực rỡ.

Khuôn viên chùa Xiêm Cán rất rộng với những cây sao, cây dầu cao vút, xếp thẳng hàng và tỏa bóng mát rượi. Du khách dễ dàng cảm nhận được không gian trang nghiêm và thanh bình của một ngôi chùa cổ hơn trăm năm.

Xung quanh chánh điện là các tháp để cốt của người quá cố. Đây là đặc trưng để nhận ra các ngôi chùa Khmer từ bên ngoài khi các ngọn tháp nhọn xếp xen kẽ với nhau.

Tượng Phật Niết Bàn trong khuôn viên chùa Xiêm Cán.

Bạn sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh chạm trổ khác nhau khi đi một vòng chùa.

Hầu hết các bức tượng, chi tiết trang trí đều được phủ một màu vàng đất, mang đậm sắc thái Khmer.

Đối diện ngôi chính điện là cột trụ biểu với hình tượng của rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ. Hình ảnh này ngụ ý giáo lý Phật pháp soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được thuần phục.

Cấu trúc mái theo nhiều tầng lớp chồng lên nhau cùng với đỉnh nhọn như một chóp tháp là kiến trúc đặc trưng của ngôi chùa này.

Chùa Xiêm Cán là công trình kiến trúc độc đáo của người Khmer. Nơi đây cũng là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ của Bạc Liêu mà của cả đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh: Hồng Hà

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net