- Phim ngắn "Nỗi buồn Tuấn Tú" vừa giúp anh đoạt thủ khoa khóa đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Anh gặp áp lực gì khi bỏ tiền túi ra làm phim?
- Nếu không có vợ ở bên chia sẻ, tôi khó lòng "dùi mài kinh sử" chuyên ngành đạo diễn điện ảnh được. Cô ấy vừa nuôi con vừa lo việc học cho tôi. Phim ngắn Nỗi buồn Tuấn Tú - tác phẩm tốt nghiệp của tôi - được làm chung với một người bạn. Tôi phải góp 120 triệu trong kinh phí 200 triệu đồng. Lúc đó, số tiền này tương đối lớn với tôi. May nhờ vợ có tích lũy tiền, cô ấy đưa cho tôi 40 triệu đồng. Bố mẹ tôi ủng hộ 30 triệu đồng, còn lại là tôi tự xoay.

Ngọc Tưởng và vợ trong buổi ra mắt phim tốt nghiệp "Nỗi buồn Tuấn Tú" của anh vào tháng 8.
Năm 2012, tôi bắt đầu học ngành đạo diễn. Lúc đó, áp lực kinh tế đè nặng lên vai tôi vì hai vợ chồng vừa có thêm em bé. Vừa học vừa lo cho gia đình, bốn năm đó với tôi rất khổ sở về thời gian lẫn tiền bạc. Thỉnh thoảng, tôi bị khủng hoảng tinh thần. Bà xã luôn chọn cách quan tâm âm thầm đến tôi. Có những điều khó khăn tôi không nói ra nhưng cô ấy hiểu và tìm cách gợi chuyện. Những lúc gặp khó khăn, tôi luôn nghĩ về vợ con để làm động lực. Thành công của tôi ngày hôm nay có sự góp sức của vợ đến 98%.
- Năm 21 tuổi, thời điểm bắt đầu sự nghiệp diễn xuất, vì sao anh quyết định lấy vợ sớm?
- Tôi và vợ học chung lớp diễn viên. Chúng tôi hẹn hò từ năm thứ nhất đại học. Gia đình vợ ở Bình Định nên sau khi tốt nghiệp, nếu không gầy dựng được sự nghiệp ở TP HCM, cô ấy buộc phải về quê. Bố mẹ tôi lúc đó cũng thúc ép: "Mày phải lấy vợ thì mới có người chăm sóc để ổn định". Cộng với tình yêu, được gia đình ủng hộ và cũng sợ người yêu về quê thì sẽ mất cô ấy, tôi quyết định cầu hôn.
- Anh thường vào nhiều vai khù khờ trong cuộc sống và tình yêu, vậy ngoài đời, anh yêu thế nào?
- Tôi phải thuyết phục gia đình vợ để họ thấy được con đường tương lai của mình. Lúc đó là năm 2000, lương tôi khoảng ba triệu đồng mỗi tháng nhờ đi diễn ở vài sân khấu kịch. Số tiền này dù không dư dả nhưng nếu cố gắng cũng đủ trang trải.
Một trong những lý do khiến nhà vợ chấp thuận tôi là họ thấy tôi liều. Năm thứ hai, khi hai đứa đang yêu, người em của vợ vào Sài Gòn thấy và mách lại với gia đình. Hè năm đó, nhà vợ gọi cô ấy về. Gọi điện, tôi chỉ nghe tiếng vợ khóc, nói bố không cho đi học nữa. Tôi lúc đó chưa đi đâu quá Sài Gòn 200 km, chẳng biết ga Diêu Trì ở đâu, song vẫn vác ba lô ra ga Sài Gòn mua vé. Xuống tàu lửa, đứng giữa Quy Nhơn, tôi bơ vơ vì chẳng quen biết ai, cũng không biết nhà vợ ở đâu. Gia đình bên ấy thấy tôi có gan nên cũng muốn gặp mặt. Tới nơi, họ bật ngửa khi thấy tôi ốm nhom, cao 1,73 m mà nặng có 54 kg.
Rồi có năm, ngày Valentine trúng dịp Tết, tôi vẫn đón xe lửa về quê bạn gái, tặng cô ấy một bông hoa rồi lại lên tàu về Sài Gòn ngay hôm đó cho kịp lịch diễn. Mỗi lượt đi mất ít nhất 11 tiếng. Có lẽ gia đình vợ thấy tôi ngô nghê và chân thành nên mới đồng ý cho cả hai lấy nhau.
- Vì sao từ khi kết hôn, bà xã anh bỏ nghề diễn?
- Chúng tôi nhận ra nếu cùng làm diễn viên sẽ không chăm lo cho nhau được. Môi trường này rất khắc nghiệt, nếu người nào cũng ráng bươn chải để làm nghề thì còn ai quan tâm đến ai, chưa kể chuyện con cái sau này. Bà xã tôi cũng học thêm về ngành báo chí nên chuyển qua lĩnh vực này. Chúng tôi mất sáu năm mới có em bé đầu tiên, một phần là vì tài chính, phần khác vì tôi muốn đợi đến thời điểm gia đình có trọn vẹn thời gian cho nhau.

Ngọc Tưởng cùng vợ và con gái, con trai.
- Vợ anh nói gì khi chồng thường đóng phim, kịch bên các nữ diễn viên xinh đẹp?
- Thời điểm đầu, cô ấy có nhiều câu nhắc khéo như: "Trời, ôm nữa nha", "Hôn nữa kìa"... Nói không ghen là nói dối, nhưng cũng từng là diễn viên, cô ấy hiểu được đó là công việc. Quan trọng hơn, bà xã hiểu tôi là người ra sao.
Trên phim trường, nói thật, đôi lúc tôi xao xuyến với đồng nghiệp. Khi tôi trao đổi, họ bảo cũng có cảm xúc tương tự với tôi. Tôi vẫn giữ cảm xúc đó để phục vụ cho công việc. Khi xong bộ phim, cảm xúc đó tự tan biến.
- Không ít diễn viên lo đi diễn khi còn sức trẻ, còn anh, ngược lại mất hơn 10 năm để theo đuổi việc học ở trường, vì sao vậy?
- Trước tiên là vì tôi rất yêu nghề này. Từ năm 1999, tôi học diễn xuất trong ba năm tại trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM (lúc đó còn là hệ Cao đẳng). Sau khi học xong, tôi có thời gian đi đóng kịch, phim, tấu hài... Nhưng các công việc này chưa cho tôi thỏa niềm đam mê. Tôi nghĩ, diễn viên chỉ lo được mỗi vai diễn của mình. Mà trong một bộ phim hay vở kịch, có người đóng hay, có người đóng dở nên tổng thể tác phẩm cũng bị phá hỏng. Vì vậy, tôi quyết định phải đi học thêm.

Ngọc Tưởng (phải) và danh hài Hoài Linh trong chương trình "Ơn giời cậu đây rồi".
Từ năm 2004 đến 2007, tôi học ngành đạo diễn sân khấu. Sau khi tốt nghiệp, tôi có một số vở được nhận xét là thành công như vở Trinh nữ ở sân khấu kịch Sài Gòn (năm 2008). Nhưng rồi gu khán giả thay đổi, sân khấu bớt sáng đèn. Một vở kịch phải mất cả tháng trời để thực hiện, tôi thấy công sức mình bỏ ra không xứng đáng.
Lương đạo diễn sân khấu rất thấp. Thời điểm này, diễn viên bắt đầu chuộng phim truyền hình hơn. Tôi nhận ra nếu mình cứ như vậy sẽ bị đào thải. Tôi tiếp tục thi vào ngành đạo diễn điện ảnh hệ chính quy, học thêm bốn năm và tốt nghiệp vào tháng 8 vừa qua với tấm bằng thủ khoa. Tôi thấy hạnh phúc vì mình thuộc thế hệ đầu tiên tốt nghiệp ngành đạo diễn khi trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM chuyển sang hệ đại học.
Ngọc Tưởng sinh năm 1981. Thời gian đầu đi diễn, anh gây chú ý với một số vai phụ, vai hài ở sân khấu kịch 5B. Khuôn mặt hiền lành cùng đôi kính cận thường trực, anh được các đạo diễn truyền hình giao cho tuyến vai phụ gây cười trong nhiều phim. Anh được biết đến qua các vai trong Nhịp đập trái tim, Tóc rối, Chuyện xứ dừa, Ở rể, Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh... Ngọc Tưởng còn đạo diễn một số vở kịch như Trinh nữ, Hợp đồng nuôi cha, Cải ơi (phỏng theo truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư)... |
Mai Nhật
>>Xem thêm: