Người gửi: Nguyễn Thị Tường Vi
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Nguyễn Ngọc Tư và "Cánh đồng bất tận"
Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, không ở Cà Mau nhưng nhà tôi cũng giữa một vùng mênh mông sông nước. Tôi là con của đồng bằng, tuổi thơ tôi cũng thả vịt chạy đồng, cũng cũng lênh đênh sông nước. Phần lớn những gì Nguyễn Ngọc Tư (NNT) viết trong "Cánh đồng bất tận" (CĐBT) đều rất thực.
Tôi nghe báo chí nói nhiều về NNT và CĐBT nhưng cũng không vội vàng gì tìm đọc. Bất chợt nghe tin chị bị kiểm điểm, tôi lên mạng và trong vòng 40 phút tôi đọc hết 8 chương của CĐBT. Một giọng văn rặt Nam bộ, chị miêu tả con người đúng là người Nam bộ, đọc mà thấy nhớ nhà, thấy cái ghe mục nát, cái bồ lúa trét cứt trâu, bầy vịt bám phèn dưới bụng sao mà nhớ thời thơ ấu của mình. Còn chuyện đánh ghen, NNT tả rất chân thực, ở quê là vậy, đánh ghen nhẹ thì sỉ vả, tát cho mấy cái, nặng thì rạch mặt xát muối, xé quần áo...
Riêng chuyện "làm đĩ" thì cần phải bàn nhiều. Dân quê muốn "chơi bời" một chút cũng không phải là chuyện dễ. Có "làm đĩ" thì cũng lén lút chứ không lộ liễu như trong CĐBT. Có nhiều chi tiết tôi đọc xong thấy không chấp nhận được, ví dụ như chi tiết chị Sương mặc quần áo của Điền, chẳng lẽ Nương không có bộ quần áo nào cho chị mượn sao? Rồi chuyện chị "làm gì" với thằng Điền trong lúc trầm mình dưới nước cũng gây khó chịu, tại sao chị lại làm như vậy trong khi có Nương ở đó? Người cha chơi đĩ xong trả tiền ngay trong bữa cơm trước mặt con mà những đứa con không phản ứng gì thì vô lý quá. Nương và Điền đã 17-18 tuổi rồi, lẽ ra hai đứa phải căm thù chị chứ sao vẫn điềm nhiên? Còn nhiều chi tiết nữa như việc chị đẩy đưa với cán bộ để bầy vịt không bị tiêu huỷ, tự tử vì vịt bị chôn sống và phản cảm nhất là việc miêu tả về kỳ kinh nguyệt đầu tiên của Nương, không cần thiết phải miêu tả như vậy. Sự xấu hổ thuộc về bản năng, Nương không xấu hổ sao mà để Điền nhai lá chuối hay đắp thuốc gò cầm máu?
Dù rất yêu văn học đồng bằng, yêu cái giọng văn của NNT như ngày xưa say mê truyện Hồ Biểu Chánh, nhưng tôi không đánh giá cao giá trị nghệ thuật của CĐBT. Còn nếu cho rằng CĐBT là sex thì tôi phản đối. CĐBT dùng sex như là một phương tiện chứ không phải mục đích, cũng giống như sex trong "Số đỏ", thơ Hồ Xuân Hương, chỉ có điều NNT chưa đủ vốn sống để chuyển tải một cách trọn vẹn. Tôi nghĩ không nên kiểm điểm NNT, NNT là người bứt phá đi lên mở một hướng đi mới cho văn học trẻ. Dĩ nhiên đi đầu thì khó tránh khỏi vấp váp, phải thông cảm, góp ý sửa chữa thiếu sót. Hãy để NNT viết bằng cả trái tim mình, tôi tin NNT sẽ thành công trên lối đi mới của mình.