- Khá nhiều diễn viên than phiền, phim truyền hình hiện nay thiếu kịch bản hay. Bản thân chị thấy thế nào?
- Có thời điểm tôi cảm thấy chán nản với nghề diễn do không tìm được kịch bản hay. Một số biên kịch viết đề cương một kịch bản phim dài tập rất hay, rất xúc động nhưng khi triển khai chi tiết từng tập, họ tỏ ra lúng túng. Những biên kịch có tâm dường như viết cho thỏa cảm xúc của họ. Họ ép nhân vật phải đi tới tình huống này nọ mà không biết với mức kinh phí có hạn, phim truyền hình không thể thực hiện các cảnh quay như phim điện ảnh. Một số người không có tâm, thường giao việc viết thoại, phân cảnh các tập cho nhiều người, thành ra kịch bản thiếu tính logic trầm trọng.
- Với chị, thế nào là một kịch bản hay?
- Một kịch bản hay là khi phim lên sóng có thể khiến khán giả khóc, cười với nhân vật. Có những bộ phim, dù tôi xem đi xem lại đến 10 lần, cả 10 lần tôi đều khóc, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như xem lần đầu tiên. Trong mỗi tập phim, luôn luôn có những tình huống được đẩy tới mức ngặt nghèo. Tập trước gợi ra mâu thuẫn, tập sau diễn giải quá trình giải quyết mâu thuẫn và đặt ra tình huống mới cho tập tiếp theo.
- Chị còn gặp khó khăn gì trong quá trình đóng phim?
- Có khi tìm được kịch bản hay tôi lại gặp phải êkíp không ăn ý. Đạo diễn không quán xuyến hết công việc, bạn diễn thiếu chuyên nghiệp như trễ giờ, diễn dở, ảnh hưởng đến công việc chung của cả đoàn.
Bây giờ trên trường quay nào cũng tồn tại việc nhắc thoại. Ngày trước, nghe nhắc thoại tôi không diễn được vì bị phân tâm. Lâu dần tôi cũng phải "sống chung với lũ" vì mình thuộc thoại thì người khác lại không thuộc. Phải là người có nhiều kinh nghiệm mới tập trung diễn được khi có người bên cạnh nhắc thoại.
- Trong bối cảnh đó, chị vẫn chứng tỏ được khả năng diễn xuất với nhiều dạng vai. Đâu là bí quyết của chị?
- Thời gian đầu đóng phim, tôi bị chê diễn dở, do đó tôi thường xuyên tưởng tượng các tình huống và luyện tập hình thể trước gương. Tôi đóng được nhiều dạng vai cũng là do toàn tâm toàn ý cho diễn xuất mà không lấn sân sang những công việc giải trí khác. Nhiều khi đến phim trường với tâm trạng chán nản, mệt mỏi, tôi tự nhủ quay cho nhanh rồi về. Nhưng khi đứng trước ống kính, nói những lời thoại của nhân vật, tôi lấy lại được tinh thần và “chiến đấu” cho vai diễn.
Nhiều khi không gặp được kịch bản theo ý mình, tôi buộc phải làm theo. Thành thực mà nói, cảm xúc của người diễn viên nhiều khi cũng phải đi vay, đi mượn. Tôi từng rơi vào hoàn cảnh đó nhưng không nhiều.
Nhiều diễn viên khóc cho số phận nhân vật nhưng tôi luôn mượn nước mắt nhân vật để khóc cho thỏa nỗi lòng. Những người khác có thể thoải mái bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của mình trước đám đông còn diễn viên thì không. Do đó, mỗi khi nhập vai, tôi coi nhân vật như phương tiện bộc bạch cảm xúc. Trong mọi hoàn cảnh tôi cố gắng làm tốt nhất có thể. Nếu không, tôi sẽ mất đi nhiều cơ hội làm việc để có điều kiện kinh tế giúp đỡ gia đình.
- Gia đình chị gặp những khó khăn gì về kinh tế?
- Tôi mồ côi ba từ lúc hai tuổi. Mẹ một mình làm công nhân để nuôi hai anh em nên tôi cố gắng tự lập từ nhỏ. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ mẹ tôi làm ca một, từ 5h sáng bà đã chở tôi thả trước cổng trường rồi đi làm. Triền miên như vậy cho đến một hôm bác bảo vệ ngủ lại trường phát hiện ra. Từ đó bác mở cửa cho tôi vào. Bác còn cho tôi ngủ nhờ cho đến giờ vào lớp.
Từ sớm tôi luôn ý thức mình phải là trụ cột của gia đình. Đến giờ tôi vẫn còn cảm giác của lần đầu đi diễn thời trang, nhận được 50 nghìn đồng. Hiện cuộc sống của tôi đã khá hơn rất nhiều.
- Bước vào nghề với tuổi thơ khó khăn như vậy, chị ứng phó thế nào với những cạm bẫy showbiz?
- Tôi cũng từng đấu tranh, từng suýt sa ngã trước lời gạ gẫm đổi tình lấy vai diễn. Nhưng rồi tôi từ chối vì nhận thức được, trong ngành này một đồn mười, mình sa ngã một lần, ắt có lần tiếp theo. Không làm công việc này, tôi vẫn có thể kiếm sống bằng việc khác. Quan trọng nhất, tôi không muốn làm mẹ buồn. Nếu tôi sa ngã và để lại tiếng xấu trong nghề, những người ngày xưa coi thường ba mẹ con sẽ được dịp hả hê.
Tôi cố làm việc để chứng minh cho những người ngày trước từng coi thường mẹ con tôi. Khi bố tôi mất, họ cho rằng mẹ tôi không thể gắng gượng nuôi hai đứa con trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy.
- Mẹ có ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống của chị?
- Tình yêu của bà dành cho bố đã ảnh hưởng rất lớn tới tôi trong chuyện tình cảm. Mẹ tôi vốn con nhà giàu, nhưng bà bỏ tất cả, chấp nhận mặc những bộ đồ bình dân khi đến với bố tôi. Khi bố mất, mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi. Tôi biết bà có những cảm xúc riêng, nhưng bà vẫn ở vậy nuôi hai anh em tôi. Cho đến giờ, hàng ngày bà vẫn đều đặn kể về tình yêu của hai người dành cho nhau với những ký ức đẹp. Qua những gì bà kể, tôi tôn thờ bố vô cùng và luôn mong người đàn ông của tôi cũng phải giống như thế.
- Trong chuyện tình cảm, chị thấy mình là người thế nào?
- Khi yêu, tôi không giấu diếm, cũng không câu nệ chuyện ai phải bày tỏ trước. Tôi giống mẹ ở chỗ, khi yêu, tôi rất trân trọng người đàn ông của mình, không muốn phiền anh ấy những chuyện mình có thể tự làm. Nhưng việc luôn hết mình khi yêu lại trở thành nhược điểm. Tuy vậy, tôi lụy tình chứ không mù quáng. Cảm thấy chuyện tình cảm không thể tiếp tục được nữa, tôi buông bỏ được ngay.
- Sau nhiều đổ vỡ trong tình yêu, hiện tâm trạng của chị ra sao?
- Cảm giác của tôi bây giờ giống như con chim bị tên sợ cành cong. Chắc phải một thời gian nữa, tôi mới dám mở lòng đón nhận chuyện tình cảm. Tôi thích một người đàn ông từng trải, hài hước và phải bảo vệ được tôi trước mọi sóng gió.
Ngày xưa khi yêu, tôi luôn tự chủ trong mọi chuyện mà không cho người đàn ông cơ hội được thể hiện sự mạnh mẽ của họ. Tôi ngộ ra một điều, phụ nữ khi yêu cần phải giả yếu đuối đúng thời điểm. Bây giờ nếu yêu, tôi sẽ tự cho mình quyền nhõng nhẽo để người đàn ông của tôi mặc sức thể hiện vai trò và sức mạnh của họ.
Châu Mỹ thực hiện