- Điều gì khiến bà nhận lời tham gia phim?
- Tôi và Trấn Thành có tình thân mười mấy năm, cậu ấy thường gọi tôi bằng má nên tôi nhận lời ngay, chưa cần biết phim kể chuyện gì. Trước Bố già, tôi hợp tác với Thành trong phiên bản web-drama cùng tên, đóng vai một bà lão bán nước, thích trêu đùa mọi người trong khu phố. Vai tôi lúc đó chỉ mang tính nhấn nhá cho phim thêm màu hài hước. Sang phim điện ảnh, tôi được giao vai Hai Giàu, chị của Ba Sang (Trấn Thành đóng) - thuộc tuyến phản diện, có chiều sâu hơn.
- Bà vận dụng kinh nghiệm 65 năm diễn xuất vào phim này ra sao?
- Trấn Thành chưa bao giờ bắt tôi phải diễn lại, có lẽ vì tin tưởng kinh nghiệm của tôi. Lên trường quay, tôi chỉ đọc thoại để nắm ý. Khi bấm máy, tôi cứ thế mà diễn. Ban đầu trong kịch bản, Hai Giàu là một phụ nữ trọng vật chất, ích kỷ, làm chị nhưng không biết thương các em. Tôi bàn với Trấn Thành rằng dù gì đi nữa, họ vẫn cùng huyết thống, tôi muốn nhân vật sống có tình nghĩa hơn. Sau khi được đạo diễn đồng ý, tôi thêm thắt một số thoại cho nhân vật. Cuối phim, Hai Giàu có nhiều chuyển biến tích cực về tâm lý.
Chẳng hạn, trong một cảnh, Hai Giàu nói: "Vì lúc sống, nó chẳng ra gì nên tao mới không thương nó. Đến khi chết rồi, nó cũng chẳng ra gì. Nhưng dù sao, nghĩa tử là nghĩa tận...". Kịch bản vốn không có câu này. Khi nhập vai, tôi buột miệng nói ra theo diễn biến tâm lý nhân vật. Cảnh kết thúc, Thành quay qua nói với tôi: "Con phục má". Xem lại phim trên màn ảnh rộng, tôi xúc động vì công sức mình được bù đắp.
- Ở tuổi 76, bà gặp trở ngại gì khi đóng phim?
- Tôi chịu nhiều áp lực về lời thoại, cách diễn. Ở phân đoạn họp gia đình, tôi cùng các nghệ sĩ phải diễn với một cú máy dài nhiều phút, không cắt cảnh. Tôi phải nhớ thoại, đứng lên, ngồi xuống đúng lúc đúng chỗ, trật một nhịp là quay lại từ đầu. Nhiều cảnh chúng tôi quay sáu, bảy lần, một câu thoại có khi mất sáu giờ mới hoàn thành. Tôi lo mình già, thiếu minh mẫn, không bắt kịp các nghệ sĩ trẻ.
Tôi bị đau khớp nhiều năm, đi lại cần có người dìu. Tôi cũng đau cột sống kinh niên, phải uống thuốc. Suốt nửa tháng, có hôm tôi nén đau diễn từ khuya đến bốn giờ sáng. Nhiều cảnh, chúng tôi phải đứng trong dòng nước đen kịt vì bối cảnh là một xóm nghèo gần kênh. Thế nhưng, chỉ cần đạo diễn hô bấm máy, tôi như quên hết trở ngại tuổi tác.
Tôi có nguyên tắc riêng khi làm việc. Dù đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bố trí phòng máy lạnh, mời tôi nằm nghỉ sau cảnh quay, tôi vẫn bảo cứ đối xử tôi như mọi người. Tôi muốn giữ hình ảnh, không thích nằm vật vạ trên phim trường. Tôi nhớ mãi lời dặn của bà Bảy Phùng Há. Sinh thời, dù 80, 90 tuổi, đi đâu làm gì, bà luôn giữ cốt cách của một nghệ sĩ lớn.
- Gia đình ủng hộ bà ra sao để duy trì đam mê diễn xuất?
- Không có chồng, tôi không thể theo nghiệp diễn đến nay. Thời gian đóng Bố già, anh đưa tôi đến phim trường, rồi đợi tới khuya để đón về nhà. Chồng cưng tôi lắm, theo sát từng li từng tí vì sợ sức khỏe tôi chuyển biến xấu. Gắn bó hơn 40 năm, chúng tôi gây dựng mái ấm bằng sự tin tưởng, tôn trọng người còn lại. Không ai hoàn hảo, để ăn đời ở kiếp cần chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Nhiều lúc, chồng giận, nói nặng lời, tôi lặng thinh. Đợi anh nguôi, tôi mới ngồi lại, phân tích cái sai của mỗi bên.
Con gái tôi nay đã trưởng thành, định cư ở Mỹ. Nhiều lần, con đề nghị vợ chồng tôi qua sống cùng, nhưng tôi chỉ thích sang đó du lịch, biểu diễn rồi vui vầy cùng các cháu. Ở tuổi này mà sống xa sân khấu, tôi buồn lắm.
- Bà còn tâm nguyện nào với nghề?
- Tôi chỉ mong tiếp tục được diễn, hát đến cuối đời. Giờ tôi đóng phim không phải vì cát-xê nữa. Tôi cũng không mặc cả chuyện tiền nong vì những ai làm việc đã lâu sẽ hiểu đúng công sức tôi bỏ ra cho mỗi vai.
Tôi không thích đóng khung trên màn ảnh với các nhân vật bà má hiền từ, nhân hậu mà thích những vai cá tính. 65 năm vào nghề, kinh qua hàng chục dạng vai, tôi tâm đắc với các vai đào lẳng nhất vì thể hiện được lực diễn của mình. Suy cho cùng, đời nghệ sĩ chỉ mong có những vai mãi neo đậu trong lòng khán giả.
Nghệ sĩ Ngọc Giàu tên đầy đủ là Phong Thị Ngọc Giàu, sinh năm 1945. Bà nổi tiếng từ nhỏ với chất giọng trời phú. 12 tuổi, bà được nhận vào gánh hát Mai Lan Phương - Ngọc Chiểu với vai trò ngâm thơ hậu trường. Chủ một hãng đĩa lớn ở Sài Gòn sau khi nghe bà - khi ấy 14 tuổi - hát thử đã ký hợp đồng dài hạn. Năm 1960, bà đoạt giải Thanh Tâm với vai đào chính Điêu Thuyền. Ngọc Giàu có khả năng diễn đa dạng với các vai đào mùi, đào mụ, đào lẳng, đào võ, đến những vai giả trai, con nít... Đến nay, bà có hàng trăm vai diễn trên sân khấu, phim ảnh và vẫn miệt mài gắn bó với diễn xuất. Những năm gần đây, bà đóng nhiều phim điện ảnh như Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016), Sài Gòn anh yêu em (2016), Pháp sư mù (2019)...
Tam Kỳ