- Ngày 20/7, chị lần đầu lên tiếng sau ca mổ thành công. Chị trải qua giai đoạn khó khăn về sức khỏe như thế nào?
- Trước đây, tử cung của tôi xuất hiện khối u và khi đi khám, bác sĩ nói không có gì đáng sợ. Tôi cứ nghĩ sẽ sống hòa bình với nó đến hết đời. Do khối u lành tính nên cứ cách sáu tháng tôi đi khám một lần. Không ngờ năm qua, khối u to dần lên, khiến tôi hay buồn tiểu, dễ mệt, không đi bộ được lâu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, lối sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, tôi quyết định mổ.
Tôi chờ lịch phẫu thuật mỏi mòn vì Covid -19, các phòng mổ dành cho bệnh chưa nguy hiểm đều không được ưu tiên. Lẽ ra tôi mổ hồi tháng 4 nhưng vì muốn tìm một bác sĩ người Việt, phải chờ đến tháng 6 mới có lịch. Ban đầu, bác sĩ dự trù thời gian mổ khoảng hai tiếng. Tôi phải ký vào giấy đồng ý nhận máu nếu quá trình phẫu thuật mất nhiều hồng cầu. Tôi may mắn gặp bác sĩ giỏi nên ca mổ chỉ diễn ra một tiếng và chỉ cần ở lại bệnh viện hai ngày thôi.
Trước đó, tôi rèn giấc ngủ tốt, ăn uống không quá kiêng khem, luôn bổ sung vitamin đầy đủ. Sau vài tuần, sức khỏe tôi bình phục hoàn toàn, phần bụng nhẹ hơn nhiều, tinh thần dễ chịu và muốn cảm thụ nhiều điều về cuộc sống hơn trước kia. Vết cắt theo phương pháp mới lành nhanh, không để lại sẹo như tôi tưởng tượng.
- Chồng chăm sóc chị ra sao?
- Trước khi tôi mổ, anh tìm đọc các bài viết liên quan bệnh lý này trên mạng cũng như nói chuyện kỹ với bác sĩ, rồi phân tích kỹ cho tôi hiểu, nên tôi không quá lo sợ. Tôi được ông xã, con trai - Ben Trần, em trai - ca sĩ Anh Khang - và bạn bè thân luôn bên cạnh chăm sóc, nói chung không thiếu thứ gì.
Ông xã tôi luôn nói: "I do everything my wife wants" (Tôi làm mọi điều vợ tôi muốn). Ngày nào anh John cũng hôn và nói yêu vợ. Lúc tôi nằm trên giường bệnh, anh còn chăm sóc, tắm cho chú chó Bobby mỗi tuần. Anh biết tôi rất thương thú cưng nên dành nhiều tình cảm cho Bobby. Khi tôi khỏe lại, thích ăn gì, đi chơi chỗ nào, chồng cũng đều chiều theo. Còn bố mẹ tôi trong nước không thể qua Mỹ vì dịch. Mỗi ngày, các cụ đều gọi video chat hỏi thăm tình hình con gái.
Tôi luôn cầu nguyện và đặt hết niềm tin vào bề trên. Tôi không thấy bế tắc theo kiểu không thể vượt qua bệnh tật. Tịnh tâm là phương pháp tốt nhất để tôi nhìn mọi điều một cách tích cực. Tôi quý trọng sức khỏe và gia đình nên chỉ cần còn được bên người thân là mãn nguyện rồi.
- Trải qua thử thách, quan điểm về sức khỏe, cuộc sống của chị thay đổi thế nào?
- Tôi yêu bản thân, cuộc sống hơn. Từ giờ tôi muốn đi du lịch, tận hưởng những điều thú vị của thế giới. Tôi sẽ ở bên chồng mọi lúc, như để "trả ơn" anh đã luôn yêu thương, động viên lúc tôi bệnh tật. Năm ngoái, anh ấy bị tai biến, tôi giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn, giờ đến lượt tôi có anh bên cạnh. Cùng gặp các vấn đề về sức khỏe ở tuổi trung niên khiến chúng tôi gần nhau hơn. Mỗi ngày, chúng tôi đều bàn bạc ăn gì cho tốt, giờ giấc đi ngủ cũng được thống nhất. Khi thức dậy, chúng tôi cầu nguyện cho ngày mới và hứa hẹn cố gắng yêu thương nhau nhiều hơn, trân trọng thời gian được ở bên nhau.
- Cuộc sống hiện tại của chị ra sao?
- Nơi tôi sống bình yên lắm. Mỗi sáng, chúng tôi tỉnh giấc nhờ tiếng chim hót. Cuộc sống dần trở lại bình thường sau khi ai cũng tiêm vaccine Covid-19. Tháng 8, tôi sẽ trở lại đi show khắp nơi.
Như mọi gia đình bên Mỹ và giờ là Việt Nam và các nước khác, vợ chồng tôi chịu áp lực và khó khăn chung từ đại dịch. Tuy nhiên, tôi không để mỗi ngày trôi qua một cách vô ích mà cố gắng hưởng thụ những niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Tôi không phải kiểu người mua sắm hoang phí, ăn uống cầu kỳ nên thích nghi được khi Covid-19 đến. Các cụ có câu: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" - chính xác với cách xử lý tài chính của vợ chồng tôi hiện tại.
Mong mỏi của tôi lúc này là Việt Nam hết dịch. Gia đình tôi cũng như người dân trong nước sớm bình yên trở lại. Sáng nào tôi cũng xem tin tức, rồi cùng vài nhóm bạn đóng góp chút lòng thành gửi về quê hương.
Tâm Giao