"Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) không phải cuộc nói chuyện suông với những ngôn từ hoa mỹ, MLC cần là chiếc xe ủi có thể tạo ra khác biệt thật sự trong thực tế", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chiều nay nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhon, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng Hợp tác Mekong - Lan Thương diễn ra tại Vân Nam, Trung Quốc.
Ông Vương nhấn mạnh MLC là cơ chế thực tiễn, nhằm phục vụ lợi ích của người dân các nước thành viên. "Chiếc xe ủi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. 6 nước trong hợp tác Mekong - Lan Thương cũng như vậy", ông Vương nói thêm.
Ngoại trưởng Trung Quốc thông báo Hội nghị Ngoại trưởng Hợp tác Mekong – Lan Thương diễn ra hiệu quả, thống nhất được kế hoạch hành động 5 năm 2018 - 2022 và các dự án nhận hỗ trợ tài chính từ quỹ MLC. MLC sẽ không thay thế các chương trình hợp tác khu vực và tiểu vùng sông Mekong khác mà sẽ bổ trợ cho các cơ chế này, nhằm củng cố lẫn nhau, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phát triển của khu vực
Theo Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon, kế hoạch, danh sách các dự án và các báo cáo khác của các nhóm làm việc chung sẽ được đệ trình để thông qua khi các lãnh đạo của 6 nước họp vào tháng 1/2018 tại Hội nghị Cấp cao Mekong – Lan Thương lần thứ hai ở Phnom Penh.
Sông Mekong chảy qua 6 nước, gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương.
Trong hội nghị hôm nay, ngoại trưởng 6 nước nhất trí MLC cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh các nước tham gia cần tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong, nhằm đạt được cân bằng lợi ích và trách nhiệm giữa các nước ven sông. Phó thủ tướng một lần nữa nêu lên gợi ý của Việt Nam về việc thiết lập đường dây liên lạc giữa các nước trong trong xử lý tình huống khẩn cấp trên sông Mekong.
Phương Vũ