![]() |
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso. Ảnh: AFP. |
Hôm thứ năm vừa qua, trong một buổi thảo luận về việc tại sao giá gạo tại Trung Quốc lại đắt hơn rất nhiều so với tại Nhật ông đã buông ra lời lẽ bị coi là xúc phạm tới những người mắc căn bệnh của tuổi già.
Tâm điểm gây phản đối là câu: "Gạo Nhật bán trong nước chỉ có giá 16.000 yen một bao (60kg), nhưng xuất đến Trung Quốc thì giá là 78.000 yen. Ngay cả những bệnh nhân Alzheimer cũng có thể hiểu được sự khác biệt này".
Ngay lập tức, phe đối lập Nhật dồn dập chỉ trích bình luận của ông Aso. Thủ lĩnh đảng Dân chủ đối lập chính tại nước này là Yukio Haytoyama cho rằng: "Đó là những lời lẽ quá vô tình. Nội các của ông Abe có quá nhiều vị bộ trưởng đáng hổ thẹn".
Trước búa rìu dư luận, Ngoại trưởng Taro Aso phải lên tiếng: "Giờ tôi đã nhận ra mình sử dụng lời ám chỉ không thích hợp. Tôi xin rút lại những nhận xét trên và xin lỗi tất xả những người bị xúc phạm". Chính phủ của ông Shinzo Abe, vốn đang phải đối mặt với hàng loại vụ bê bối trước thềm cuộc bầu cử quốc hội khẳng định, sẽ không có hành động nào trừng phạt ông Aso sau sự cố trên.
Trước đó chỉ một tuần, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản thời hậu chiến tranh Fumio Kyuma đã phải ra đi chỉ vì câu nói khiến các nạn nhân của bom nguyên tử năm xưa phẫn nộ: "Nếu Mỹ không thả bom thì chiến tranh đã không thể kết thúc".
Bộ trưởng Y tế Hakuo Yanagisawa hồi tháng giêng cũng phải vội vã xin lỗi phái đẹp Nhật khi lỡ gọi họ là "máy đẻ". Nguyên văn lời nói gây sóng gió của ông: "Số lượng phụ nữ tuổi từ 15 đến 50 không thay đổi. Bởi số lượng các máy đẻ có hạn, điều cần thiết phải làm là yêu cầu họ làm ra sản lượng tốt nhất có thể".
Alzheimer là một căn bệnh thần kinh chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, làm mất dần trí nhớ và khả năng suy nghĩ. Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia có dân số già vào loại nhất thế giới với hơn 20% số người ở độ tuổi trên 65.
Đình Chính (theo BBC, Reuters)