![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và ông Sergei Bagapsh tại thủ phủ Sukhumi. Ảnh: AP. |
Lavrov là quan chức cao cấp nhất của Nga đến thăm Abkhazia trong vòng 15 năm qua. Ông đã hội đàm với lãnh đạo chính quyền ly khai Sergei Bagapsh về hiệp ước hợp tác mà hai bên sẽ ký kết trong ít ngày nữa. "Thỏa thuận đó sẽ cho phép chúng tôi xác lập sự hiện diện của quân đội Nga tại đây", Lavrov nói.
Matxcơva trước đó thông báo rằng, thỏa thuận sắp ký với Abkhazia sẽ đưa tổng số binh sĩ Nga đóng tại khu vực ly khai này và Nam Ossetia lên 7.600. Trước cuộc chiến với Gruzia, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại hai khu vực đó là khoảng 3.500 người.
Ông Lavrov cho biết ông sẽ tiếp tục đến Nam Ossetia để gặp gỡ các nhà lãnh đạo vùng ly khai này. Ngoại trưởng Nga khẳng định chuyến công du này không liên quan đến chuyến thăm Gruzia của Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer. Tuy nhiên, ông chỉ trích cam kết kết nạp Gruzia và Ukraina vào NATO mà Scheffer đưa ra trong chuyến thăm đó là "không phù hợp và vô trách nhiệm".
Trong khi đó, Tbilisi lên án chuyến công du của Lavrov tới Abkhazia. "Đây là trò khôi hài. Nga đang cố tạo ấn tượng rằng những vùng đất này là các quốc gia độc lập", Ngoại trưởng Gruzia Ekaterine Tkeshelashvili nói.
Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia hôm 26/8, giữa lúc căng thẳng với phương Tây leo thang. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố đó không phải là lựa chọn dễ dàng nhưng là cơ hội duy nhất để cứu vớt cuộc sống của người dân hai vùng ly khai.
Ossetia nằm ở phía bắc Gruzia và phía nam nước Nga được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là nước cộng hòa thuộc Nga còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia, nhưng ly khai cùng với Abkhazia kể từ sau cuộc xung đột 1991-1992. Nam Ossetia tuyên bố độc lập nhưng không được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Gruzia luôn coi Nam Ossetia và Abkhazia là phần lãnh thổ của mình. Matxcơva trước đây không công nhận chính quyền tự xưng tại hai nơi này, nhưng cấp quy chế quốc tịch cho hầu hết dân số của họ. Người dân địa phương cũng chủ yếu sử dụng đồng ruble của Nga trong tiêu dùng.
Ngọc Sơn (theo Reuters)