"Duy trì hiện trạng của thỏa thuận là điều rất quan trọng và dĩ nhiên sự tham gia của Mỹ trong vấn đề này sẽ là một nhân tố rất đáng kể", Reuters dẫn trả lời của ông Lavrov ngày 6/10 về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuyên bố trên của ông Lavrov được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định rút khỏi thỏa thuận. Động thái này nếu xảy ra có thể vô hiệu hóa thỏa thuận được xem là một trong những di sản nổi bật của chính quyền tổng thống Barack Obama.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký vào tháng 7/2015 giữa Iran với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức (P5+1), trong đó Tehran đồng ý hạn chế quá trình làm giàu uranium để đổi lại việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này.
Ngày 15/10 là thời hạn cuối để ông Trump xác nhận trước quốc hội Mỹ liệu Tehran có tuân thủ điều khoản của thỏa thuận hay không. Nếu ông Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Ông Trump từng gọi thỏa thuận hạt nhân Iran là một "sự bẽ mặt" và là "thỏa thuận tồi nhất từng được thương thảo". Chính quyền Tổng thống Trump cũng nhiều lần đề cập đến việc đơn phương rút khỏi hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Tuy nhiên, các bên tham gia khác gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức đều nhấn mạnh thỏa thuận cần được duy trì.
Vũ Phong