"Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Anh, họ nên tự bảo vệ cho các tàu của mình. Nước Mỹ cũng có trách nhiệm, nhưng cộng đồng quốc tế cũng có vai trò lớn trong việc duy trì hoạt động của các tuyến hàng hải", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua trả lời phỏng vấn trên truyền hình khi được hỏi về vai trò của Washington trong vụ Tehran bắt tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh hôm 19/7.
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích chính quyền Iran và gọi hành động bắt tàu dầu Anh là "tương đương cướp biển", nhưng vẫn tỏ ý không muốn gây chiến tranh với Tehran. "Chúng tôi muốn họ hành xử như một quốc gia bình thường. Tôi nghĩ rằng họ biết điều đó và cả thế giới đã hiểu mối đe dọa này", Pompeo nói thêm.
Iran bắt tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh ở eo biển Hormuz với lý do "không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế", cho rằng tàu Anh không hồi đáp tín hiệu cấp cứu và tắt hệ thống định vị sau khi đâm tàu cá Iran. London cáo buộc đây là hành động trả đũa vụ bắt tàu dầu Grace 1 ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar hồi tháng trước.
Toàn bộ 23 thủy thủ gồm 18 người Ấn Độ, ba công dân Nga, một người Lavia và một người Philippines đều an toàn, trong tình trạng sức khỏe tốt và đang bị giữ ở cảng Bandar Abbas. Sự việc thu hút sự quan tâm từ quốc tế khi các quốc gia châu Âu và những nước có công dân là thủy thủ trên tàu đồng loạt kêu gọi Iran thả tàu.
Phát ngôn viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ramezan Sharif nói lực lượng này đã đưa được Stena Impero vào bờ bất chấp sự can thiệp của chiến hạm Anh. Tàu hộ vệ tên lửa HMS Montrose dường như đã đến quá muộn để ngăn cản vụ bắt tàu.
Một quan chức hải quân Anh giấu tên hôm 21/7 cho biết Anh nhiều khả năng sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Astute tới Vùng Vịnh để bí mật thu thập tin tức tình báo, phục vụ kế hoạch hộ tống tàu thương mại đi qua khu vực eo biển Hormuz.
Vũ Anh (Theo Reuters)