"Mỹ không bỏ chính sách viện trợ. Chúng tôi vẫn cung cấp viện trợ cho các nước. Điểm khác biệt là viện trợ giờ đây phải phù hợp các ưu tiên chính sách đối ngoại chiến lược của chúng tôi, ưu tiên của nước sở tại và các đối tác", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/3 với Thủ tướng Jamaica Andrew Holness.
Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận rằng chính sách viện trợ nước ngoài đang là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất tại Mỹ hiện nay và chính quyền Tổng thống Donald Trump không hài lòng với cách làm việc cũ.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đến sân bay Norman Manley, Jamaica, ngày 26/3. Ảnh: AP
Trước đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) hoặc một số cơ quan khác thuộc chính phủ Mỹ thường sẽ chủ động tiếp cận các nước để đặt vấn đề "chúng tôi nghĩ các bạn cần những điều này", nhưng lại rót tiền cho những tổ chức phi chính phủ (NGO).
"Nhiều khả năng NGO ấy cũng chính là những người thuyết phục các cơ quan Mỹ rằng một nước nào đó đang cần những gì. Rồi họ bước vào nước của các bạn làm việc. Một số chương trình cũng ổn, cũng tốt, nhưng nhiều khi chúng chẳng tốt mấy", ông Rubio giải thích.
Ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh chủ trương viện trợ mới của Washington là thông qua đại sứ quán Mỹ ở các nước. Đại sứ quán sẽ trao đổi với chính quyền sở tại, tìm hiểu rõ nhu cầu của họ và các đối tác, sau đó triển khai viện trợ thiết thực hơn.
"Chính quyền sở tại, nơi chúng tôi đặt các đại sứ quán, mới là những người có tầm nhìn rõ nhất về tương lai của họ và viện trợ từ Mỹ làm sao để hữu ích nhất", ông Rubio nói.
Tổng thống Mỹ ngày 24/1 thông báo đình chỉ hầu hết viện trợ nước ngoài trong 90 ngày. Ông giải thích rằng chính quyền muốn xem xét lại chi tiêu để đảm bảo nguồn tiền được phân phối phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Chính phủ Mỹ cũng đình chỉ hoạt động của USAID và đưa cơ quan này về Bộ Ngoại giao quản lý. Đến đầu tháng 3, ông Rubio thông báo khoảng 83% các chương trình viện trợ của USAID bị hủy vì đã lãng phí hàng chục tỷ USD nhưng không phục vụ lợi ích quốc gia.
Thanh Danh (Theo AFP, CNN)