Ngoại trưởng Kerry cho biết chiến lược "tái cân bằng" tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, coi trọng quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam vẫn được tiếp tục khi Nhà Trắng có tổng thống mới vào năm tới.
Tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry được đưa ra trong cuộc hội đàm với ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Washington hôm 25/10, theo Vietnamplus.
Ông Kerry cho biết Mỹ tiếp tục coi trọng Việt Nam, một đối tác quan trọng trong khu vực; cam kết tăng cường quan hệ và nỗ lực thúc đẩy triển khai các cam kết với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước năm 2013 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2015.
Mỹ cũng coi trọng và đánh giá cao quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, coi đây như một kênh ngày càng quan trọng để thúc đẩy quan hệ thực chất, toàn diện và hiệu quả với Việt Nam.
Ông Đinh Thế Huynh cho biết Việt Nam coi trọng và đang chuẩn bị các bước sẵn sàng cho việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đề nghị phía Mỹ thúc đẩy sớm phê chuẩn hiệp định này.
Ông cũng đề nghị Mỹ sớm công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường; mở cửa hơn nữa cho hàng hoá nông nghiệp của Việt Nam; giảm thiểu các rào cản thương mại, trong đó có việc áp thuế chống phá giá đối với hàng hoá Việt Nam.
Trao đổi với Ngoại trưởng John Kerry về nhân quyền, ông Huynh khẳng định việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người một cách tổng thể luôn là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam; Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phía Mỹ trên lĩnh vực này với tinh thần cởi mở và xây dựng.
Việt Nam hoan nghênh Mỹ tăng cường quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương; trong đó có các nước Đông Nam Á, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ông Huynh cho biết Việt Nam đánh giá cao việc Ngoại trưởng John Kerry và Chính phủ Mỹ quan tâm, chia sẻ với các nước khu vực về tình hình Biển Đông; và khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động quân sự hóa và đơn phương làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc DOC, sớm hoàn tất xây dựng COC.
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh hoan nghênh vai trò tích cực của các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Đinh Thế Huynh mong muốn Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh đã chuyển lời mời Tổng thống mới của Mỹ thăm Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017.
Xem thêm: Tổng bí thư và Tổng thống Mỹ bàn luận về Biển Đông
Văn Việt