Kerry cho hay ông rất mong được trở lại Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Trong ký ức của ông, hình ảnh đất nước Việt Nam hàng chục năm trước vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng mạnh nhất với ông khi nghĩ về Việt Nam hiện nay đó là sự thay đổi nhanh chóng trong 50 năm qua.
"Những năm sau khi bãi bỏ cấm vận và chúng ta đạt được bình thường hóa quan hệ và thương mại, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hiện đại đầy sinh lực", ông nói. "Việt Nam đã và đang là một nước đang trên đà chuyển động".
Ngoại trưởng cũng bày tỏ sự háo hức "được đắm mình trong hình ảnh và âm thanh của Việt Nam, từ giao thông hối hả và xe ôm, đến sự bình dị tao nhã của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn". Kết lại video, ông nói câu "Hẹn gặp các bạn" bằng tiếng Việt.
Ông Kerry sẽ có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14/12 tới. Tại đây, ông sẽ "nhấn mạnh sự phát triển của quan hệ thương mại song phương và vai trò trao sức mạnh của giáo dục", Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Ông Kerry sẽ thăm Đồng bằng sông Cửu Long để cho thấy "người Mỹ và người Việt có thể hợp tác như thế nào trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo". Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ sẽ bay ra Hà Nội và có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam là một phần trong chuyến công du châu Á lần thứ 4 trên cương vị ngoại trưởng của ông Kerry. Chuyến công du này bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 18/12, bao gồm chuyến thăm Israel và Ramallah ở Bờ Tây.
Sau khi rời Việt Nam, ông sẽ bay tới Philippines và thăm thành phố Tacloban, nơi chịu thiệt hại nặng nề của siêu bão Haiyan tháng trước.
“Trong sự tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương, Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt, và chuyến thăm của ngoại trưởng tới Việt Nam và Philippines thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực”, bà Psaki nói.
Ông Kerry từng tham chiến ở Việt Nam với chức vụ trung úy hải quân và chỉ huy tàu tuần tra sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hồi hương sau chiến tranh, Kerry trở thành người phản chiến quyết liệt.
Anh Ngọc