"Trong động thái đáng ngạc nhiên và xúc phạm, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias từ chối xuống máy bay và đã rời đi mà không có bất kỳ lời giải thích nào", Bộ Ngoại giao Libya hôm nay cho biết trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Libya Najla al-Mangoush đứng chờ trên đường băng "theo quy tắc ngoại giao" nhưng không thể đón tiếp người đồng cấp Hy Lạp, tuyên bố nêu thêm. Bộ Ngoại giao Libya cho biết họ sẽ thực hiện "các biện pháp ngoại giao thích hợp" để đáp trả.
Những năm gần đây, Libya bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch được hậu thuẫn bởi các lực lượng nước ngoài và dân quân. Hai chính phủ song song tồn tại ở Libya, một bên là chính phủ lâm thời do Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah đứng đầu, bên còn lại là chính phủ có trụ sở ở miền đông được quốc hội Libya bổ nhiệm, do cựu bộ trưởng nội vụ Fathi Bashagha lãnh đạo. Hồi tháng hai, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết cơ quan này tiếp tục công nhận chính quyền của Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết ông Dendias vốn lên kế hoạch gặp người đứng đầu Hội đồng Tổng thống Libya, Mohamed el-Manfi, và không gặp các thành viên cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, cuộc gặp đã "bị hủy do Bộ Ngoại giao Libya không giữ lời hứa về thỏa thuận" rằng ông sẽ không gặp Ngoại trưởng Mangoush.
Hội đồng Tổng thống Libya được thành lập theo các điều khoản của Thỏa thuận Chính trị Libya được ký kết năm 2015, thực hiện các chức năng của nguyên thủ quốc gia Libya và nắm quyền chỉ huy lực lượng vũ trang.
Theo Bộ Ngoại giao Hy Lạp, lịch trình còn lại trong chuyến đi của Ngoại trưởng ở thành phố miền đông Benghazi, nơi đặt trụ sở quốc hội Libya, sẽ tiếp tục như kế hoạch.
Chuyến thăm của ông Dendias tới Libya diễn ra sau khi chính phủ có trụ sở tại Tripoli của Thủ tướng Dbeibah ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc thăm dò dầu khí dưới biển ở Địa Trung Hải. Được xây dựng dựa trên thỏa thuận biên giới năm 2019 giữa Tripoli và Ankara, thỏa thuận này khiến Hy Lạp, Ai Cập và Cyprus tức giận vì cho rằng không bên nào có quyền khoan dầu ở những khu vực đó.
Chính phủ ở miền đông cũng lên án thỏa thuận này, cho rằng chính phủ ở Tripoli không còn quyền lãnh đạo hoặc ký kết các thỏa thuận quốc tế.
Libya chìm trong bạo lực từ khi Muammar al-Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Ông Dbeibah được bổ nhiệm làm Thủ tướng như một phần tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc dẫn sau đầu trận chiến lớn cuối cùng ở Libya năm 2020.
Tuy nhiên, quốc hội có trụ sở ở miền đông nói rằng nhiệm vụ của ông Dbeibah đã hết thời hạn. Điều này càng làm phức tạp thêm quan hệ đối ngoại của đất nước.
Huyền Lê (Theo AFP)