"Một số người có thể bán những lời hứa suông và theo đuổi mộng tưởng, nhưng thực tế không thể thay đổi. Dù muốn hay không, đơn giản là không thể mua lượng khí đốt bổ sung này ở châu Âu nếu không có nguồn của Nga", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói trong cuộc họp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moskva ngày 21/7.
Ông Szijjarto tới Nga để đàm phán mua 700 triệu m3 khí đốt tự nhiên ngoài số lượng quy định trong các hợp đồng dài hạn năm nay nhằm đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp năng lượng trong nước. Số lượng này chiếm khoảng 6,7% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ năm 2020 của Hungary.
Ông Szijjarto nhấn mạnh các cơ sở lưu trữ của Hungary đã đủ "cho thời gian bình thường", vì đây không phải thời điểm Hungary cần thêm khí đốt để cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, ông muốn các cuộc đàm phán với Nga đi đến kết quả càng sớm càng tốt, khi mùa sưởi ấm bắt đầu vào 15/10.
Ngoại trưởng Lavrov nói yêu cầu của chính phủ Hungary về việc mua thêm khí đốt tự nhiên sẽ "được báo cáo và xem xét ngay lập tức". Ông đồng thời cho rằng thật xấu hổ khi "chính sách bài Nga công khai" cùng "sự leo thang tràn lan các lệnh trừng phạt" của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cản trở phát triển hợp tác thực tế giữa Moskva và Budapest.
Ngoại trưởng Nga cam kết "sẽ tìm ra các giải pháp" giúp cho hợp tác trở nên độc lập với "những loại ý tưởng bất chợt này".
Ngoài ông Lavrov, Ngoại trưởng Hungary còn gặp Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, người phụ trách các vấn đề năng lượng, và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Denis Manturov.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ, Anh và EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Moskva, bao gồm một số mặt hàng xuất khẩu năng lượng của nước này. Hungary, quốc gia phụ thuộc khoảng 85% vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, liên tục phản đối áp lệnh cấm vận đối với xuất khẩu khí đốt của Nga.
Hungary cũng đã phản đối việc EU dừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay và được miễn trừ để tiếp tục mua nhiên liệu từ Moskva.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU, hôm 15/7 cho rằng châu Âu đã "tự bắn vào phổi" khi áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Theo ông, các lệnh trừng phạt chỉ gây ra thiệt hại diện rộng cho kinh tế châu Âu mà không khiến Nga suy yếu.
Huyền Lê (Theo RT)