Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sáng nay đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản tại Bangkok, Thái Lan, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Việt Nam là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018-2021.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã phát triển bền chặt hơn 45 năm qua, chia sẻ tin cậy và hiểu biết, đem lại lợi ích cho hai bên và đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Phó Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản thời gian qua trên các trụ cột "đối tác vì hòa bình, ổn định; vì thịnh vượng; vì chất lượng cuộc sống và từ trái tim đến trái tim".
Các ngoại trưởng ASEAN ghi nhận tiến triển trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản, đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và hợp tác hiệu quả mà Nhật Bản dành cho ASEAN. Các nước ASEAN và Nhật Bản hoan nghênh, đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam trong đó có đồng chủ trì với Nhật Bản "Hội nghị chuyên đề ASEAN-Nhật Bản vì sự thịnh vượng" và "Nhạc hội ASEAN-Nhật Bản" tại Hà Nội trong khuôn khổ sáng kiến Ngày ASEAN - Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh và các nước ASEAN đề xuất một số định hướng hợp tác trong giai đoạn tới giữa ASEAN - Nhật Bản như tăng cường phối hợp và gắn kết chặt chẽ tại các diễn đàn do ASEAN chủ trì, đóng góp thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mở rộng hợp tác kết nối, đổi mới, sáng tạo, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0...
Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói rằng ASEAN là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, khẳng định lại cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác thực chất, hiệu quả và toàn diện với ASEAN. Nhật Bản hoan nghênh ASEAN thông qua Tài liệu Quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương, mong muốn hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của ASEAN và Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản.
Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và khuyến khích các nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển.
Huyền Lê