Tại một sự kiện ở Birmingham ngày 23/8, người dẫn chương trình John Pienaar nêu kịch bản nếu trở thành thủ tướng, bà Liz Truss phải đối mặt với lựa chọn có cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân như "phương sách cuối cùng" hay không. "Điều này có nghĩa là hủy diệt toàn cầu. Nếu tôi ở trong vị trí đó, tôi sẽ cảm thấy rất bối rối. Bà nghĩ thế nào về nhiệm vụ đó?", ông Pienaar nói.
"Tôi nghĩ đó là một nhiệm vụ quan trọng của thủ tướng, tôi sẵn sàng làm vậy", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhấn mạnh.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, chương trình hạt nhân của nước này có mục đích "ngăn chặn những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia và sự sống còn của Anh, điều không thể thực hiện bằng các phương thức khác". Trong chiến dịch tranh cử, bà Truss đã báo hiệu ý định đổi mới hệ thống răn đe hạt nhân của Anh.
Tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức sau nhiều bê bối, nhưng tiếp tục giữ vị trí cho đến khi lãnh đạo mới được bầu. Hai ứng viên đang cạnh tranh là cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Truss, Khoảng 200.000 đảng viên Bảo thủ sẽ bỏ phiếu và kết quả được công bố vào ngày 5/9.
Liz Truss, 46 tuổi, giữ chức ngoại trưởng từ tháng 9/2021. Ban đầu bà Truss ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Tuy nhiên, bà thay đổi quan điểm vào năm 2017. Truss được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán của chính phủ với EU vào tháng 12/2021. Bà có lập trường cứng rắn với Brussels trong các cuộc đàm phán hậu Brexit.
Bà Truss cũng có quan điểm rất cứng rắn với Moskva và đã cam kết sẽ giải mật thêm thông tin tình báo để "vạch trần những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại phương Tây". Điện Kremlin hồi tháng hai chỉ trích Ngoại trưởng Truss, nói rằng bà đưa ra những tuyên bố "không thể chấp nhận được" về khả năng xảy ra đụng độ giữa NATO và Nga.
Nếu bà Truss chiến thắng, Anh sẽ có nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử. Nếu ông Sunak đắc cử, Anh sẽ có thủ tướng da màu đầu tiên.
Đức Trung (Theo Mirror)