Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) mùa 2013 - 2014 chính thức khai mạc hôm nay (17/8). Chỉ cách đây vài tuần, người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn trong tâm trạng phấp phỏng trước khả năng không thể theo dõi một trong những giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. Nguồn cơn đến từ cuộc chiến bản quyền, vốn dai dẳng suốt nhiều năm qua, giữa một đơn vị đã bỏ "tiền tấn" ra mua quyền phát sóng, với những nhà đài khác muốn chia sẻ trên hệ thống của mình.
Câu chuyện tại Việt Nam chỉ là một "ván bài" nhỏ trong cuộc chơi bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh, cứ 3 năm một lần lại diễn ra giữa các tập đoàn truyền thông, đài truyền hình trên khắp thế giới. Mùa bóng 2013 - 2016, tổng giá trị bản quyền mà các bên phải chi trả lên tới hơn 3 tỷ bảng (khoảng 4,7 tỷ USD).
"Nhà cái" trong cuộc chơi bản quyền này đương nhiên là Ban tổ chức EPL, một "doanh nghiệp" với cổ đông là 20 đội bóng dự giải. Theo thông tin từ một số nhà đài Việt Nam, bản quyền này thường được ban tổ chức bán độc quyền theo vùng lãnh thổ trong 3 mùa giải liên tiếp. Đơn vị mua được phát sóng trên tất cả các hạ tầng mà mình có (cáp, vệ tinh, internet...) hoặc chia sẻ lại với các nhà cung cấp dịch vụ khác trong nước. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng tổ chức đấu thầu cho các đơn vị muốn phân phối lại các gói không độc quyền.
Để đảm bảo công bằng, ban tổ chức sẽ chia EPL ra 6 gói, viết tắt từ A đến F, tương ứng thời gian phát sóng khác nhau. Ví dụ, gói A gồm 23 trận thuộc một mùa giải được phát sóng vào 16h00 ngày chủ nhật (giờ địa phương), gói D được phát sóng vào 17h30 thứ 7... Cùng với đó là các gói bản quyền đối với các video highlight (tình huống nổi bật) của tất cả các trận đấu.
Với 20 đội bóng, EPL sẽ tổ chức tổng cộng 380 trận mỗi năm. Trong đó, 154 trận sẽ được truyền hình trực tiếp và 40% là các trận trong số này được coi là đỉnh cao. Để có quyền phát sóng, tương tự như Việt Nam, hầu hết các đài truyền hình trong khu vực và thế giới đều phải bỏ ra những khoản "kếch xù" để giành quyền phát sóng.
Theo Bangkok Post, Công ty Cable Thai Holding Plc đã phải bỏ ra hơn 190 triệu bảng để sở hữu bản quyền tại 3 nước Thái Lan, Lào và Campuchia cho các mùa bóng 2013 - 2016. Tại Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, hai thị trường được các CLB Anh ưa thích, các hãng cũng cấp dịch vụ cũng phải chi bộn 150 - 200 triệu bảng cho 3 mùa kết thúc năm 2016. Tuy nhiên, những nhà đài này cũng chẳng thiệt thòi gì vì hoàn toàn có khả năng thu hồi vốn từ các hệ thống truyền hình trả tiền và các nhà tài trợ, quảng cáo...
Chính những khoản thu khổng lồ nêu trên đã mang lại doanh thu khổng lồ với hơn 3 tỷ bảng cho EPL mùa này. Xét về doanh thu bóng đá, đây là giải đấu đứng đầu thế giới, xếp thứ 2 về lợi nhuận chỉ sau Bundesliga của Đức. Tổng doanh thu của EPL xếp thứ 4 số các giải thi đấu thể thao nói chung toàn cầu (sau giải Bóng bầu dục quốc gia - NFL, giải bóng chày - MLB và bóng rổ - NBA, tất cả đều của Mỹ).
Về cách thức "ăn chia", khác với những giải khác ở châu Âu, nơi từng câu lạc bộ sẽ tự bán bản quyền với tư cách cá nhân, dẫn đến mức thu nhập cao chỉ tập trung vào những đội bóng lớn. Còn doanh thu phát sóng ở Anh của EPL được phân chia theo tỷ lệ 50:25:25.
Theo đó, 50% doanh thu sẽ chia đều cho các câu lạc bộ, 25% để dành trao thưởng dựa trên thứ hạng vào cuối mùa giải, 25% còn lại được tính vào chi phí cơ sở vật chất, truyền hình của đội bóng. Toàn bộ doanh thu phát sóng thu được từ việc bán bản quyền ở các nước khác được chia đều cho các câu lạc bộ của EPL.
Với cách làm ăn chuyên nghiệp này, theo xếp hạng của Deloitte, có tới 7 đại diện của EPL nằm trong danh sách 20 câu lạc bộ giàu nhất thế giới, trong khi hiếm giải nào có quá 4 đội góp mặt tại đây. Nhiều năm gần đây, Manchester United thường xuyên là đội bóng giá trị nhất thế giới (theo danh sách của Forbes). Mùa bóng vừa qua (2012 -2013) MU giành chức vô địch và được hưởng tiền bản quyền phát sóng gần 70 triệu bảng (92,5 triệu USD).
Phương Linh