Theo số liệu của Sunsport, tổng số tiền các CLB Ngoại hạng Anh chi để mua cầu thủ trong phiên chợ hè vừa kết thúc ngày 1/9 là 2,21 tỷ USD. Đây là mức chi kỷ lục, cao hơn khoảng 34% so với kỷ lục cũ 1,61 tỷ USD hè 2017.
Nhưng do các đội Ngoại hạng Anh còn thu về 978,35 triệu USD, nên mức chi ròng cho chuyển nhượng Hè này của cả giải đấu là 1,15 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên giải đấu chi ròng vượt mốc 1 tỷ USD kể từ kỷ lục 765 triệu USD được thiết lập vào Hè năm 2017.
Dù vậy, theo Sunsport, mức chi ròng này vẫn là hợp lý và trong ngưỡng an toàn, khi doanh thu các đội từ 2017 đến 2022 cũng tăng đáng kể. Chi phí chuyển nhượng hè 2017 chiếm 30% doanh thu các đội, trong khi hè này cũng chỉ chiếm 32%.
Doanh thu bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh sẽ tăng lên hơn 11,5 tỷ USD trong ba mùa giải tới, nhờ sự gia tăng giá trị các hợp đồng bản quyền ở thị trường nước ngoài. Nguồn thu dồi dào đó khiến dư chấn Covid-19 tan biến và các đội Anh lập tức chi mạnh tay.
Chelsea là đội đóng góp nhiều nhất vào kỷ lục chi ròng của của Ngoại hạng Anh hè này, khi bỏ ra 295 triệu USD để mua cầu thủ, trong đó mức chi ròng là 235 triệu. Các ông chủ người Saudi Arabia của Newcastle cũng bạo chi trong mùa hè đầu tiên của họ với đội bóng. "Chích chòe" xếp thứ năm trong "bảng xếp hạng chi ròng" với khoảng 140 triệu USD, chỉ kém Chelsea, Man Utd, West Ham và Nottingham Forest.
Forest là bất ngờ khi đội mới thăng hạng này chi ròng tới 160 triệu USD. Họ là đội thăng hạng tiêu tiền chuyển nhượng nhiều nhất lịch sử bóng đá Anh. Ngoài việc tự tin với doanh thu sắp tới, đội bóng này cũng cần làm mới đội hình khi hàng loạt trụ cột hết hợp đồng hoặc hết hạn mượn.
Deloitte, hãng kiểm toán và phân tích tài chính bóng đá hàng đầu, cho rằng đây là tín hiệu của sự giàu có từ Ngoại hạng Anh. Đại diện tổ chức này, ông Tim Bridge nói: "Kỷ lục chi tiêu Hè này là chỉ dấu cho thấy sự tự tin của các CLB. CĐV đã trở lại sân, hợp đồng bản quyền truyền hình mới có hiệu lực. Doanh thu dồi dào khiến các đội sẵn sàng mạnh tay chi để nâng cao thành tích".
Tuy nhiên, ông Bridge cũng cảnh báo kinh tế thế giới còn biến động và các đội cần có phương án dự phòng cho việc này. Ông nói: "Nhiều đội đã chịu rủi ro mức cao trong khi tài chính không ổn định. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, lạm phát tăng, sự ổn định tài chính ngoài sân cỏ càng cần được chú trọng".
Đỗ Hiếu