Đà Nẵng thăng hoa cùng phong độ cao của Merlo. Ảnh: An Nhơn. |
Những bàn thắng liên tiếp của các ngoại binh khiến V-League trở nên sôi nổi ngay từ vòng đầu tiên. Thống kê cho thấy các ngoại binh đã ghi tới 20 trong 27 bàn thắng sau hai vòng đấu. Tiền đạo Merlo của Đà Nẵng có cú đúp vào lưới Bình Dương ở vòng hai. Trong khi đó, Abass của Thanh Hoá thậm chí còn xuất sắc với cú hattrick vào lưới Đồng Nai chiều qua. Số lượng bàn thắng đang có chiều hướng tăng vọt. Nếu như ở vòng một, chỉ có 11 bàn thắng được ghi, thì ở vòng 2, số bàn đã lên tới 16 (còn một trận đấu nữa chưa đá).
Ở mùa giải năm nay, BTC đã khống chế số lượng ngoại binh ra sân, cụ thể là đăng ký 3 người và sử dụng 3. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không giúp cầu thủ nội có cơ hội đá chính với các ông Tây. Hầu như ở đội bóng nào cũng dành 1-2 suất tiền đạo cho các cầu thủ ngoại. Những vị trí quan trọng còn lại như trung vệ, thủ môn hay tiền vệ trung tâm, cũng là ngoại binh hoặc cầu thủ nhập tịch.
Với việc "sính" ngoại, Bình Dương có thể ra sân với 7 "Tây". Còn ít như Ninh Bình, cũng có thể sử dụng tới 5 "Tây". Không có những bản hợp đồng bom tấn đến từ các ngôi sao thế giới, nhưng chất lượng ngoại binh tại V-League vẫn khá đảm bảo. Rất nhiều ngoại binh từng nhiều năm chinh chiến ở sân chơi V-League đã quá hiểu giải đấu này. Cũ người mới ta, V-League chứng kiến rất nhiều chân sút tưởng như là "hàng thải" của đội này, nhưng lại trở thành ngôi sao của đội kia.
Chẳng hạn như tiền đạo Abass từng bị SLNA thanh lý sau khi mùa giải 2012 kết thúc, ngay lập tức nổi đình nổi đám với cú hattrick lập được trong trận gặp Đồng Nai. Đây cũng là cú hattrick đầu tiên tại V-League năm nay. Ở Hải Phòng, Antonio - tiền đạo cũ của Xuân Thành Sài Gòn cũng hứa hẹn sẽ là chân sút đóng góp nhiều bàn thắng ở mùa giải năm nay cho đội bóng đất Cảng.
Ở phần lớn các đội bóng khác, ngoại binh chính là điểm tựa về thành tích và có thể khẳng định, nếu không có ngoại binh, hầu hết đội bóng đều gặp khó khăn trong khâu ghi bàn. Ngay cả đến những đội bóng có lò đào tạo nổi tiếng như SLNA, cũng đang khá lệ thuộc vào các chân sút ngoại. Sau 11 năm lên chuyên, danh hiệu Vua phá lưới vẫn là sân chơi riêng của ngoại binh.
Một chuyên gia bóng đá khẳng định, chất lượng của V-League phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của ngoại binh. Nhìn vào màn trình diễn của các cầu thủ ngoại nhiều mùa giải qua, nhận xét này là rất chính xác. Những nhà tổ chức giải, đều không muốn giảm nhanh số lượng ngoại binh, vì như thế sẽ làm giảm chất lượng giải đấu, kèm theo đó là trào lưu nhập tịch cho cầu thủ ngoại.
Nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh cũng tạo ra những tác động ngược, mà nhìn thấy rõ nhất chính là việc tuyển Việt Nam hiện thiếu hẳn một trung phong có khả năng "săn bàn". Công Vinh đang có phong độ cao và có khả năng được gọi lại tuyển, nhưng dù sao tiền đạo này cũng chỉ thi đấu vài năm nữa là giải nghệ. Nhìn lại những cầu thủ trẻ, ít ai để lại sự yên tâm. Không có tiền đạo, các HLV sẽ lại phải dùng các tiền vệ, nhưng tiền vệ dẫu sao cũng không thể ghi bàn như tiền đạo đích thực.
Các tiền đạo ngoại vẫn ghi bàn đều đặn sau từng vòng đấu. Điều đó khiến V-League có nhiều bàn thắng đẹp, hấp dẫn hơn. Nhưng nếu cứ tiếp diễn thế này, các tiền đạo nội chỉ còn biết "giải nghệ" sớm hay chấp nhận ngồi trên băng ghế dự bị dài dài.
Thành tích là điều rất cần trong bóng đá, nhưng thành tích cũng phải có sự hài hoà với công tác đào tạo trẻ, trao cơ hội cho các cầu thủ nội.
Thế Kiên