- Từ thiết kế đồ họa chuyển sang lĩnh vực thời trang những năm còn sinh viên đã tạo một cơ hội khác, con người khác cho Ngô Thái Uyên. Chị nói sao về quyết định thay đổi này?
- Chỉ có một câu thôi: Nếu bây giờ được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn thời trang. Đơn giản vì nghề này thích hợp với cá tính của tôi.
- Chị từng nói: do báo chí "tâng" chị lên quá khiến chị bị sốc, bị mất phương hướng về nghề. Vì sao thế?
- Đó là câu chuyện của những năm 1997-1998, khi tôi còn là một sinh viên. Hành trang kiến thức chỉ đơn thuần 70% là nghệ thuật và hội họa, cộng thêm khoảng thời gian 3 tháng để nghiên cứu về thời trang một cách nghiêm túc, thì việc đoạt một giải thưởng quốc tế lúc đó thật sự chỉ nói lên tiềm năng thích hợp với nghề thời trang chứ chưa biến tôi thành nhà thiết kế thời trang được.
Tôi đã phải mất đến 6 tháng ở nhà chẳng làm được gì cả, chỉ để tự nhìn nhận lại bản thân với các câu hỏi: Mình là ai? Đang đứng ở đâu? Có thật sự tài năng như những lời ca ngợi? Mình nên làm gì?
Tôi đã cố gắng để lấy lại cân bằng bằng cách bắt tay vào học và làm việc. Tôi tự mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh sản phẩm ở khu dành cho khách du lịch với một lý do: Cóp nhặt kiến thức về tiêu dùng về thời trang chính từ khách hàng của mình - những người đến từ khắp nơi trên thế giới và có điều kiện đi khắp nơi trên thế giới.
- Gần 10 năm theo nghề thiết kế thời trang, chị cảm giác ra sao với những hệ lụy của nghề?
- 10 năm rồi tôi đến với công việc này, chưa mệt mỏi nhưng đôi lúc tôi cũng thấy sốt ruột vì mọi chuyện tiến triển chậm hơn những dự tính, khát vọng của tôi.
![]() |
Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên. Ảnh: Đào Ngọc Thạch. |
- Từng thiết kế nhiều bộ sưu tập được đánh giá cao, đoạt giải và xây dựng nên tên tuổi trong làng thiết kế thời trang, vậy chị có ý tưởng nào "thiết kế" cho cuộc sống hạnh phúc cá nhân?
- Trong công việc sáng tạo và thiết kế, mình có thể gia giảm và tính toán mọi chuyện để hiệu quả cuối cùng sẽ tốt nhất. Nhưng với hạnh phúc và tình cảm, đó lại là phạm trù hoàn toàn khác mà tôi không thể kiểm soát theo ý riêng của mình.
- Khi nhận sáng tác các bộ sưu tập, chị mang hoàn toàn cảm hứng cá nhân vào tác phẩm, hay thực hiện theo ý khách hàng?
- Tùy yêu cầu và nhu cầu của đơn đặt hàng. Một người làm công việc thiết kế thời trang chuyên nghiệp phải hiểu mọi chi tiết nhỏ của sản phẩm mình làm ra. Vì thế nếu để sự bay bổng sáng tạo chiếm hữu hoàn toàn thì thiết kế không còn thích hợp với thực tế nữa.
- Một nhà thiết kế đàn bà có những cảm giác, sự rung động, nhạy bén khác với nhà thiết kế đàn ông như thế nào?
- Thiết kế thời trang đòi hỏi sự kiên trì và dẻo dai, nên dù sao là nam giới sức bền cũng nhiều hơn, ít suy sụp. Tuy nhiên, phụ nữ có lợi thế những gì thuộc về chi tiết. Trong thiết kế thời trang, có cả nghìn chi tiết nhỏ mà mỗi công đoạn đều dẫn đến thành công hay thất bại cho sản phẩm. Theo cá nhân tôi, nghề nào nam giới tham gia cũng đều thành công hơn phụ nữ, vì họ ít bị chi phối nhiều bởi ngoại cảnh.
- Tháng 7 chị sinh tiếp em bé thứ hai, vậy ai sẽ thay mặt quản lý công ty NTU?
- Tôi vẫn tiếp tục quản lý công việc như bình thường. Tôi cũng lên kế hoạch "vác" em bé đi làm cùng với mẹ rồi. Lần sinh bé đầu, tôi cũng nghỉ làm có mấy hôm khi còn nằm tại bệnh viện phụ sản.
- Chọn con đường dũng cảm là một bà mẹ đơn thân, cảm xúc của chị thế nào với những mẫu thiết kế áo cưới?
- Anh ấy quan tâm và rất yêu con, nhưng vì không có nhiều thời gian nên việc chăm nom cũng chỉ có thể ở mức tối thiểu. Tôi đã quyết định có thêm em bé nữa, thế nên nhắc lại chuyện có tủi thân hay không thật sự là thừa. Chẳng ai muốn cuộc sống của mình bế tắc và đau khổ, cũng chẳng ai chọn cách sống để rồi phải đau khổ.
Có người bạn đã nói: hạnh phúc là do mình tạo ra. Đôi lúc tôi nghĩ thấy cũng đúng. Mỗi lần thiết kế một trang phục cưới hay đi dự đám cưới ai đó, tôi rất vui và thích ngắm nhìn khuôn mặt hạnh phúc, vui vẻ của mọi người. Cuộc sống đôi lúc chỉ cần những niềm vui nho nhỏ như thế thôi, cũng đủ làm cho mình thấy công việc đang thực hiện có ý nghĩa...
- Với một cơ quan hoành tráng cùng 40 nhân viên, chị nhìn nhận ra sao về công việc lãng mạn thiết kế thời trang song hành với từng dãy số lớn trong tiền lương trả nhân viên và lợi nhuận thu về cho bản thân?
- Tôi tự cho mình là một người "lãng mạn thực tế". Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đối với thiết kế thời trang thì đúng là thế đấy. Nếu không thực tế sẽ không thể tính toán một cách hệ thống cho công việc. Và nếu không lãng mạn, tôi đã phải bỏ cuộc từ rất lâu khi thấy mình như hạt cát ở một thế giới tiêu dùng tốc độ ngày nay.
- Làm mẹ, làm người phụ nữ đam mê, một giám đốc điều hành, một nhà tạo mẫu có tiếng, đã bao giờ chị cảm thấy đôi vai mình quá nặng với nhiều trách nhiệm?
- Làm đàn bà sướng nhất là được khóc hu hu như trẻ nít khi căng thẳng, giúp mọi chuyện được gội sạch bằng nước mắt, để rồi sau đó lại tiếp tục làm việc và phấn đấu. Tôi luôn bị cảm giác bản thân có quá nhiều trách nhiệm, nhưng lại hoàn toàn hài lòng với cảm giác đó. Khi tôi ý thức được trách nhiệm, đồng nghĩa với tôi phải cố gắng nhiều hơn và công việc có nhiều cơ hội thành công hơn.
(Theo Thanh Niên Tuần San)