- Ở tuổi 30, chị cảm nhận cuộc sống khác thế nào so với trước đây?
- Vào những năm 20 tuổi, tôi chỉ để ý xem mình chưa làm được gì, chưa có gì. Còn hiện tại, tôi biết trân trọng những gì đang có. Tôi nghĩ một phần là nhờ cuộc sống hôn nhân. Có tinh thần thoải mái, tôi sống nhẹ nhõm, bớt trăn trở hơn về những chuyện kiểu như làm công việc gì, chọn môi trường sống ở đâu...
Càng tiếp xúc với mọi người, tôi nhận thấy ở bất kỳ lứa tuổi, ngành nghề, giới tính nào, mọi người luôn phải đối mặt với ba loại "tiếng ồn" trong cuộc sống. Tiếng ồn thứ nhất đến từ xã hội. Ở mỗi môi trường, mọi người đều đặt ra hình mẫu lý tưởng nhất định về sự thành công để hướng tới, ví dụ ở nhà riêng hay nhà thuê, đi ôtô hay xe máy, kiếm tiền nhiều hay ít, có con hay chưa có con... để các thành viên phải phấn đấu hướng tới. Thứ hai là áp lực từ gia đình, người thân. Họ luôn mong muốn những điều tốt nhất cho chúng ta và đưa ra lời khuyên để đạt được tiêu chuẩn của xã hội. Cuối cùng là áp lực đến từ những mong muốn của chính bản thân.
Tôi nghĩ mọi tiêu chuẩn đều tốt đẹp nhưng có thực sự phù hợp với cuộc sống của mỗi người không lại là việc khác. Việc chọn lọc, suy nghĩ thấu đáo về ba "tiếng ồn" ấy sẽ giúp chúng ta nhìn ra được con đường của chính mình một cách rõ ràng, hiểu được bản thân và biết trân trọng cuộc sống hiện tại hơn.
* Không gian sống gần Hồ Tây của vợ chồng Ngô Phương Lan
- Chị đối mặt những áp lực này trong đời sống riêng như thế nào?
- Hồi tôi bị sảy thai vào tháng 8/2016, chỉ có gia đình và bạn bè biết. Mọi người rất cảm thông, giữ một khoảng cách nhất định với tôi để không chạm vào vết thương trong lòng đang lành lại. Áp lực lớn nhất tôi phải đối diện đến từ chính bản thân. Tôi đã tự nhủ nếu không tự chữa trị được cho bản thân, không ai có thể giúp được mình. Lúc này, phải sống vì bản thân một chút, đặc biệt chú ý hơn về sức khỏe, như vậy mới không gây ảnh hưởng đến những người thương yêu mình.
Sau khi hồi phục hoàn toàn, tôi và chồng sang Hong Kong một thời gian để giải tỏa tâm lý. Thời gian này, tôi không giao lưu nhiều với bạn bè. Mỗi khi một mình và tĩnh tâm, tôi bắt đầu lục lọi những "ngăn kéo" cảm xúc và giải phóng hết ra ngoài thông qua các hoạt động ngoài trời. Tôi leo núi, đi bộ trên bãi biển... Những lần như thế, tôi đều khóc. Tôi thấy tâm hồn dần nhẹ nhõm hơn. Đến lúc kiểm soát được cảm xúc hoàn toàn, tôi quyết định về Việt Nam để sinh sống và làm việc trở lại. Tôi chọn một công việc toàn thời gian để bản thân bận rộn, bớt nghĩ về những điều tiêu cực.
- Chồng chị - anh Loz Whitaker - đối mặt với mất mát về con cái ra sao?
- Anh ấy bị sốc, rất buồn nhưng cố gắng kìm nén để là bờ vai mạnh mẽ cho tôi dựa vào. Lúc nghe tin vợ sảy thai, anh vẫn cố an ủi: "Đây không phải lỗi của em mà là của anh. Anh đã không có mặt ngay bên cạnh em khi mọi chuyện xảy ra". Ông xã sợ tôi bị tổn thương khi nói lại về chuyện buồn đã qua. Tôi thương anh lắm.
Sau một năm, anh Loz vẫn không giải tỏa được hoàn toàn về cú sốc mất con. Anh sút cân không kiểm soát, làm việc cũng không thấy vui như trước. Đến lúc tâm trạng bị xuống dốc quá mức, tôi động viên chồng đi gặp bác sĩ tâm lý. Nếu không giải quyết được vấn đề về tâm lý, anh sẽ rất khó vượt qua nỗi đau để trở lại cuộc sống bình thường. Tôi để ý người phương Tây khi gặp vấn đề về tinh thần sẽ tìm gặp bác sĩ tâm lý còn phương Đông thì chưa phổ biến lắm.
Ban đầu, anh Loz phản đối, vẫn cố gồng mình lên. Nhưng sau khi được thuyết phục, chồng tôi đã chấp nhận gợi ý của vợ. Việc chia sẻ được tất cả vấn đề trước chuyên gia tâm lý để phân tích và tìm ra giải pháp là sự giải thoát tuyệt đối. Một thời gian không lâu sau, anh Loz hồi phục. Chúng tôi có thể tâm sự cởi mở về chuyện buồn để cùng nhau vượt qua. Cả hai thấy có thể chia sẻ với nhau về bất kỳ điều gì.
- Cuộc sống của vợ chồng chị hiện tại thế nào?
- Chúng tôi khá bận rộn với các công việc đào tạo kỹ năng mềm. Mỗi khi đi làm về, vợ chồng tôi nấu nướng hoặc sang nhà bố mẹ tôi để ăn tối. Chồng tôi rất thích nấu ăn. Anh coi đó là một cách để giải tỏa căng thẳng và chinh phục thử thách. Ông xã tôi còn mơ ước hai vợ chồng một ngày nào đó sẽ mở một nhà hàng để nấu cho mọi người ăn (cười).
- Chị đánh giá cao những điều gì ở ông xã?
- Anh là người đàn ông tài năng, thông minh và là người chồng hết lòng hy sinh vì gia đình. Chồng tôi từng rất thích làm những công việc liên quan đến ngoại giao văn hóa, được đi nhiều nơi trên thế giới. Nhưng khi yêu và kết hôn với tôi, anh sẵn sàng bỏ tất cả để về Việt Nam làm lại từ đầu. Anh muốn tôi được ở bên gia đình, bạn bè và muốn làm chỗ dựa tinh thần cho vợ.
Ngày đầu quen nhau, tôi thấy chồng hay mất tự tin. Anh cũng là người sống khá nguyên tắc, không thích kế hoạch đã lên bị thay đổi. Nhưng hiện tại, anh tự tin hơn trước tôi và mọi người. Ông xã dần thích ứng với những quyết định ngẫu hứng từ vợ. Nhiều khi, hai vợ chồng đang rảnh, bỗng nghĩ tới chuyện đi du lịch là có thể cắp vali đi ngay. Quan trọng hơn cả, chúng tôi tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Tôi nghĩ đó là nền tảng cho bất kỳ mối quan hệ nào.