- Anh nổi tiếng trong nước với các mẫu thiết kế áo dài. Việc phụ trách trang phục cho một nam ca sĩ quốc tế, nổi tiếng với dòng nhạc trẻ gây áp lực gì cho anh?
- Đúng là tôi được mọi người biết nhiều với trang phục áo dài. Nhưng tôi đã làm việc với khá nhiều nam ca sĩ trong nước, ví dụ như: Đức Tuấn, nhóm F5, Hồ Trung Dũng... Cũng chính những mẫu thiết kế cho ca sĩ Hồ Trung Dũng mới đây của tôi đã thu hút sự chú ý của nhà tổ chức "Vũ khúc nam phong" nên họ mời tôi cộng tác.
Lần này, khó khăn lớn nhất mà tôi phải đối mặt là không được trực tiếp trao đổi với nhân vật. Từ trước đến nay, khi thiết kế trang phục cho những ngôi sao trong nước, tôi đều trò chuyện với họ để nắm bắt tâm lý và sở thích. Từ đó, ý tưởng phác thảo trang phục sẽ dễ dàng hơn. Với trường hợp của Lâm Phong, tôi chỉ còn cách là nghe nhiều nhạc của anh, xem anh trình diễn ở nước ngoài hoặc nhiều hình ảnh của anh để bắt được "gu" ăn mặc. Việc này mất nhiều công sức hơn tôi nghĩ.
![]() |
Nhà thiết kế kiêm nhiếp ảnh Ngô Nhật Huy. |
- Điểm nhấn trong 3 mẫu thiết kế mà anh vừa gửi sang Hong Kong là gì?
- Tôi chọn thiết kế các trang phục sao cho thật phù hợp với thể loại pop ballad mà tôi cảm được từ nhạc của ngôi sao này. Vừa nhẹ nhàng, vừa sang trọng. Tuy nhiên, các mẫu thiết kế sẽ không quá đơn giản mà được cách tân ở một vài chi tiết, như tà áo kiểu ba-đờ-xuy hoặc cổ áo đính kèm lông vũ hay đá pha lê tạo độ lấp lánh... Về màu sắc, tôi dùng tông màu lạnh với đen, xám và ghi làm nền. Nổi bật lên trên đó là các màu ánh bạc hoặc kim để bắt sáng, lấp lánh trên sân khấu.
- Anh cảm giác thế nào về lần làm việc này?
- Tôi thấy vui. Theo tôi biết thì sẽ có một bộ trang phục do tôi thiết kế và Lâm Phong mặc được bán đấu giá làm từ thiện ngay trong đêm diễn. Chẳng có lý do gì để tôi từ chối khi được đóng góp một phần nhỏ vào việc nghĩa, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Lần cộng tác này, tôi làm việc với đa số người trẻ. Đơn vị tổ chức Funehouse cũng tạo điều kiện thoải mái, không đặt nặng hình thức và tạo áp lực để tôi được tự do sáng tạo.
- Anh cũng giới thiệu một bộ sưu tập thời trang của mình trong đêm diễn. Xin anh chia sẻ một chút về nó?
- Tôi thực hiện bộ sưu tập White để góp vui cho chương trình. Toàn bộ trang phục được tạo ra từ chất liệu chinfon kết hợp với đá và pha lê. Màu trắng được sử dụng cho tất cả các bộ để khi minh họa trong một tiết mục của Lâm Phong (mặc trang phục đen) sẽ tạo được sự tương phản thú vị.
Tiết mục này được diễn bởi các người mẫu của công ty Venus. Diễn chính là siêu mẫu Vũ Thu Phương.
- Anh mong chờ gì ở đêm diễn "Vũ khúc nam phong"?
- Thật lòng, tôi chỉ mong sao chương trình gặt hái thật nhiều thành công, được khán giả trong nước đón nhận. Có như thế, tôi cũng đã thành công vì góp một phần công sức vào đó.
![]() |
Bộ ảnh "Người đẹp Tây Đô" của ca sĩ Lê Kiều Như do Ngô Nhật Huy lên ý tưởng và chụp. |
- Dạo gần đây, nhiều người thấy tên Ngô Nhật Huy còn đứng dưới các chùm ảnh thời trang với tư cách nhiếp ảnh. Lý do của cuộc lấn sân này?
- Tôi thấy nhiếp ảnh hay thiết kế thì cũng là nghệ thuật. Quan trọng là mình thể hiện được tư duy và quan niệm về cái đẹp của mình. Hơn nữa, tôi tạo ra các mẫu trang phục, rồi chính tôi lên ý tưởng về góc chụp, phân bố ánh sáng và bắt được cái thần của người mẫu qua trang phục thì bức ảnh sẽ đạt được hiệu ứng tốt nhất.
- Anh định phát triển "nghề mới" này đến đâu?
- Thật ra cũng không thể gọi cái nào mới, cái nào cũ. Tôi vốn tốt nghiệp ngành hội họa nên cả thiết kế thời trang hay nhiếp ảnh đều có thể gọi chung là đam mê nghệ thuật. Cái chính là tôi có thỏa sức sáng tạo của mình trong mỗi công việc hay không. Chuyển sang nhiếp ảnh rồi, tôi mới thấy thật thú vị bởi nó hỗ trợ cho việc thiết kế rất nhiều. Tôi không bị gò bó ý tưởng trong các buổi chụp hình, nhiều cảm hứng về các chi tiết trên trang phục cũng khởi nguồn từ phút giây bất chợt nào đó khi cầm máy ảnh.
Kiến Huy thực hiện
Ảnh do nhân vật cung cấp