Phát biểu tại hội nghị về công tác an toàn thực phẩm ngày 30/9, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hơn 3.000 người bị ngộ độc thực phẩm, 20 trường hợp tử vong. Con số này giảm so với cùng kỳ năm ngoái, song có đến 52% xảy ra tại bếp ăn gia đình.
Theo ông Hùng, nguyên nhân là người dân chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn thực phẩm, lạm dụng thực phẩm chứa độc tố tự nhiên như ốc biển, cá nóc. Thực phẩm không an toàn như ve sầu mọc nấm trên đầu khác biệt với con sống nhưng nhiều người vẫn ăn. Sự thiếu ý thức này khiến việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp gia đình rất khó. Nhiều hộ gia đình có thói quen mua thức ăn ở ngoài, không tự nấu trong khi chỉ cần một khâu chế biến không đảm bảo an toàn dễ dẫn đến ngộ độc.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc tại bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều nơi sử dụng nguyên liệu thực phẩm là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, do hộ gia đình cung cấp nhưng không kiểm soát được, thậm chí thu gom của nhiều nơi khác nhau…
Ông Phong cho rằng những suất ăn chỉ 10.000-12.000 đồng thì sẽ rất khó trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra các cơ sở cung cấp suất ăn ngày càng nhiều, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát. Trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao. Không ít địa phương không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.
Từ đầu năm đến, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 172 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo.
Nam Phương