Người mẹ cho biết thịt cóc đã được lột sạch da, bỏ nội tạng, chỉ giữ lại bộ trứng. Sau khi chiên lên, hai người con ăn phần thịt, người mẹ ăn trứng cóc. Khoảng 30 phút sau, cả ba có dấu hiệu mệt, buồn nôn, nôn nhiều, được đưa đến trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển bệnh viện tỉnh cấp cứu.
Ngày 12/10, bác sĩ Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết ba bệnh nhân bị ngộ độc thịt và trứng cóc, may mắn nhập viện sớm nên tình trạng chưa nặng. Các triệu chứng chủ yếu biểu hiện trên đường tiêu hóa, buồn nôn, nôn, chưa có bất thường tại cơ quan tim mạch, thần kinh.
Bác sĩ chỉ định rửa, làm sạch dạ dày, truyền dịch thải độc đồng thời theo dõi sát điện tim, men tim. Hiện, sức khỏe ba bệnh nhân đều đã ổn định.
Thịt cóc chứa hàm lượng đạm cao và không có độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác của cóc như da, gan, trứng, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) chứa độc tố, trong đó có độc tố tetrodotoxin và bufotenin, gây chết người. Sơ chế thịt cóc sai cách có thể dẫn đến ngộ độc. Khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy.
Các độc tố trong cóc được hấp thu qua đường tiêu hóa. Ngộ độc thịt và trứng cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Tùy từng mức độ, người bệnh có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi; nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt sinh ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng. Người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc vì nghĩ bồi bổ sức khỏe, chữa được còi xương, suy dinh dưỡng.
Nếu muốn ăn, bạn nên chắc chắn chế biến đúng cách, tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc. Khi có biểu hiện ngộ độc, cần nhập viện sớm để tránh biến chứng nặng nề.
Thùy An