Gia đình cho biết bệnh nhân đang điều trị rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não, uống nhiều loại thuốc, trong đó có Phenobarbital. Bệnh nhân uống thuốc theo toa bác sĩ chỉ định mỗi ngày một viên, bảo hiểm y tế chi trả.
Tuần trước, người nhà lãnh 45 viên thuốc Phenobarbital 0,1g. Sau khi uống được 5 viên trong 5 ngày, gia đình phát hiện bệnh nhân lơ mơ nằm trên giường, kế bên là lọ thuốc Phenobarbital đã hết, không có thuốc rơi vãi xung quanh. Nghi ngờ bệnh nhân uống khoảng 40 viên Phenobarbital nên người nhà đưa vào viện.
Bác sĩ Trần Huy Nhật, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh nhân mê sâu phải đặt nội khí quản, thở máy, uống than hoạt, rửa dạ dày, kiềm hoá nước tiểu, lọc máu hấp phụ. Khi bắt đầu lọc máu hấp phụ, bệnh nhân vẫn còn mê sâu. Máy chạy được khoảng 2 giờ, bệnh nhân tỉnh lại dần và có thể nhận biết xung quanh, sau đó tri giác cải thiện.
Quá trình lọc máu hấp phụ kết thúc sau hơn 8 giờ. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, được tập cai máy thở và rút ống nội khí quản. Tầm soát độc chất có sự hiện diện của Phenobarbital trong máu và nước tiểu, người bệnh được chẩn đoán ngộ độc Phenobarbital. Hiện bệnh nhân ổn định, vừa được xuất viện.
Theo bác sĩ Nhật, nhờ người nhà khai bệnh rõ và kíp trực xử trí nhanh nên bệnh nhân hồi phục tốt trong 12 giờ nhập viện.
Bác sĩ Nhật khuyến cáo các bệnh nhân sử dụng thuốc hướng thần có nguy cơ cao bị ngộ độc, quá liều thuốc dù vô tình hay tự ý, do không kiểm soát được hành vi bản thân. Những ai có người thân đang sử dụng thuốc cần bảo quản kỹ, cho uống thuốc theo toa bác sĩ và đưa đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
Trường hợp ngộ độc, quá liều thuốc, người thân cần xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu, có uống thêm thuốc nào khác không, giúp nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể sơ cứu bằng cách cho uống than hoạt rồi nhanh chóng đưa vào bệnh viện.