Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 16/3 cho biết bệnh nhân có biểu đặc trưng của ngộ độc ma túy. Các bác sĩ gửi mẫu đến Viện Pháp y Quốc gia để phân tích.
Xét nghiệm tinh chất trong thuốc lá điện tử bệnh nhân hút cho thấy thành phần từ cần sa tổng hợp, rất độc với thần kinh và tim mạch.
"Bệnh nhân phải dùng thuốc an thần, gây mê, thở máy", bác sĩ Nguyên nói. Sau khoảng một tuần điều trị, bệnh nhân mới ổn định sức khỏe, xuất viện.
Bác sĩ Nguyên cảnh báo ngộ độc chất ma túy trộn trong thuốc lá điện tử là hiện tượng ghi nhận từ năm 2019 đến nay. Trước đó, bệnh viện từng tiếp nhận một thanh niên 22 tuổi nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp. Các bác sĩ phát hiện trong thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút có thành phần 5-Fluoro ADBICA, một dạng ma túy tổng hợp thế hệ mới.
Người sử dụng thuốc lá điện tử hầu hết trẻ, tuổi khoảng 20. Các bệnh nhân khi nhập viện có đặc điểm chung là bị sốc, co giật, ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, tâm thần, tim mạch.
Bác sĩ Nguyên cho biết dung dịch trong thuốc lá điện tử chứa nicotin và nhiều chất gây hại cho cơ thể. Khi phối trộn thêm các loại chất lạ, chất kích thích, ma túy, tổng các thành phần trong thuốc lá điện tử gây hậu quả không thể lường trước được, có thể để lại những hệ lụy.
Theo bác sĩ Nguyên, hiện nay hàng trăm chất cần sa, ma túy tổng hợp được tạo mới, song năng lực xét nghiệm chẩn đoán y tế lại luôn đi sau. Các phòng xét nghiệm lớn ở Hà Nội, năng lực xét nghiệm cũng chỉ xác định được khoảng 180 chất trong thành phần gây độc. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sau khi nhập viện, có những triệu chứng điển hình của ngộ độc ma túy nhưng kết quả xét nghiệm không thể xác định được là loại chất gì. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thuốc lá điện tử chứa tới 15.000 loại hương vị, nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy. Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng phát triển trí não. Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh.
Tại Việt Nam, năm 2019, khoảng 2,6% thanh thiếu niên trong độ tuổi 13-17 đang sử dụng thuốc lá điện tử, trước đó chỉ 0,2%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn, nhóm người trẻ tuổi có mức sống khá.
Các chuyên gia nhận định, hiện tại, Việt Nam chưa hình thành thị trường thuốc lá điện tử, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và Internet. Do đó, rất cần ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.